Theo tiến sĩ, nhà giáo dục người người Italy – Maria Montessori, 0 đến 6 tuổi là giai đoạn “vàng” để phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Đặc điểm “trí tuệ thẩm thấu” trong 6 năm đầu đời sẽ giúp trẻ có khả năng ghi nhớ linh hoạt và đạt tới sự tăng trưởng vượt bậc về chất và lượng ngôn ngữ chúng ghi nhận được.

Là một người mẹ nuôi dạy thần đồng Đỗ Nhật Nam thành công với phương pháp Montessori, Hot Mom Phan Hồ Điệp đã có những “bí mật” về cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ toàn diện nhất.

Trò chuyện cùng con mỗi ngày bằng những ngôn từ “đẹp”

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã có thể lắng nghe và cảm nhận âm thanh từ bên ngoài, bao gồm cả âm thanh ngôn ngữ từ tiếng nói của ba mẹ, ông bà, anh chị,… Khi ba mẹ trò chuyện với trẻ bằng những tiếng cưng nựng rõ ràng kèm theo cảm xúc trìu mến, ngay khi ra đời, trẻ sẽ có xu hướng bộc lộ hành vi và xúc cảm dễ chịu khi nghe được tiếng những người thân yêu. Và trong quá trình phát triển ngôn ngữ của mình, chính trẻ cũng có thể phản xạ âm thanh và có độ nhạy cảm về ngôn ngữ đặc biệt.

Ở độ tuổi 2-3 tuổi, để phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, ba mẹ nên cố gắng phát triển vốn danh từ cho trẻ thông qua giao tiếp. Ví dụ: Khi đưa trẻ ra ngoài, nếu trẻ nhìn thấy bất cứ sự vật gì, bạn có thể chỉ vào chúng và nói tên của nó để trẻ ghi nhớ. Khoảng 2,5 đến 3 tuổi, ba mẹ hãy cố gắng ghép danh từ với động từ, tính từ trong các từ ngữ giao tiếp với trẻ. Chúng ta có thể gợi ra những điều mới mẻ hơn từ một sự vật. Ví dụ: Mẹ có thể miêu tả rõ “lá cây có màu xanh”, “hoa hồng có màu hồng bắt mắt”,… Như vậy, vốn từ của trẻ được mở rộng hơn mỗi ngày và chúng cũng sẽ học được cách sử dụng từ của người lớn.

Và 3 đến 6 tuổi là thời kỳ phát triển nở rộ về ngôn ngữ của trẻ. Đây là giai đoạn đặc biệt mà ba mẹ nên tận dụng để phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Ba mẹ sẽ chứng kiến những sự phát triển vượt bậc về chất và lượng ngôn ngữ trẻ. Trẻ có thể ghi nhớ đến 5.000 từ đến khi 5 tuổi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở những năm tiếp theo. Do vậy, ba mẹ cần tích cực trò chuyện với trẻ, vừa dạy trẻ cách phát âm, cách sử dụng ngôn từ, đặc biệt từ đơn, từ ghép, từ nối vừa tăng khả năng thấu hiểu và làm bền chặt hơn mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái.

Hot Mom Phan Hồ Điệp cũng chỉ ra rằng: “Trong quá trình nói chuyện với con, ba mẹ hãy sử dụng những ngôn từ “đẹp”, phát âm rõ ràng, chuẩn chỉnh. Đừng ngần ngại nói những lời yêu thương, ngọt ngào, thậm chí là sến súa. Khi bạn giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ yêu thương, trẻ cũng sẽ giao tiếp với chính bạn và mọi người bằng thứ ngôn ngữ trong sáng ấy. Ba mẹ cũng cần chú ý hạn chế tối đa việc nói lắp, nói ngọng. Bởi trẻ có thể bắt chước lời nói của người lớn một cách chính xác. Cho nên, hãy thật cẩn trọng khi trò chuyện với trẻ để hạn chế tối đa các khuyết điểm”.

Chơi cùng con với các trò chơi ngôn ngữ trong sự trật tự và an toàn

Với kinh nghiệm giáo dục con theo phương pháp Montessori, Hot Mom Phan Hồ Điệp cho rằng trí tuệ ngôn ngữ từ 0 đến 6 tuổi của trẻ có thể phát triển vượt bậc với 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Nếu ba mẹ biết cách đánh thức tiềm năng và khơi gợi năng lượng phát triển tự nhiên của trẻ, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ càng mở rộng hơn. Và phương pháp giáo dục Montessori sẽ giúp ba mẹ tận dụng tối đa thời gian mẫn cảm của trẻ để tối ưu sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non thông qua các trò chơi.

Hãy thiết lập góc chơi cùng con một cách trật tự, an toàn và khoa học với những đồ chơi, giáo cụ được chuẩn bị sẵn sàng. Trong quá trình chơi cùng con, bạn hãy cùng trẻ đưa ra các nguyên tắc về trò chơi, luật chơi, thời lượng thời gian chơi bằng ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ. Chúng ta cũng có thể cùng con thực hành một số hoạt động Montessori như làm chữ cát, khung kim loại, xô âm hay các trò chơi đơn giản như giỏ khám phá, hộp bí mật, xem tranh và vẽ tranh, tìm từ cùng loại,… để kích thích trí tò mò, sáng tạo của trẻ.

Nhưng để phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non tại nhà, chơi cùng con không chỉ đơn giản là “chơi” mà ẩn sâu trong đó là sự tương tác, kết nối thông qua các trò chơi. Ba mẹ hãy kết hợp chơi và trò chuyện, chia sẻ với con trong quá trình chơi cũng như khơi gợi trẻ sử dụng ngôn ngữ để nói về những điều chúng cảm nhận được và cảm xúc khi chơi các trò chơi đặc biệt này.

Đọc sách, kể chuyện cũng là một cách “chơi” thú vị mà ba mẹ có thể cùng trẻ trải qua một cách đầy ngọt ngào và yêu thương. Hãy kể cho trẻ những câu chuyện câu chuyện ý nghĩa. Vừa kể vừa gợi mở, vừa thu hút trẻ khám phá các câu chuyện một cách tự nhiên và biết cách diễn đạt ngôn ngữ hiệu quả. Từ đó, trẻ dễ dàng kể lại một câu chuyện đã nghe bằng ngôn ngữ của chính mình, cũng dễ dàng tưởng tượng ra các câu chuyện, tình huống chuyện chưa bao giờ gặp để kể lại cho người khác (về siêu nhân, về ông tiên, về kho báu, về công chúa ngủ trong rừng,…).

Tôn trọng nhịp độ phát triển tự nhiên của trẻ

Trong tiến trình phát triển của trẻ, có tới 4 giai đoạn mà ba mẹ có thể giúp trẻ học tập tốt. Đó là dưới 1 tuổi, 2 đến 4 tuổi, 4 đến 5 tuổi và 5 đến 6 tuổi. Mỗi độ tuổi trẻ lại có một cách tiếp nhận ngôn ngữ khác nhau. Cho nên, ba mẹ cần tôn trọng nhịp độ phát triển tự nhiên để kích thích sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non một cách phù hợp nhất.

Dạy trẻ không có nghĩa là nhồi nhét cho trẻ kiến thức mà là đồng hành cùng trẻ khám phá ra những chân trời mới lạ. Maria Montessori từng nói: “Sự chăm sóc của chúng ta đối với trẻ không nên bị chi phối bởi mong muốn các con phải học tập, mà bởi nỗ lực luôn duy trì ngọn lửa bừng cháy của vầng sáng trí tuệ”. Cho nên, ba mẹ hãy giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cho trẻ bằng chính sự thấu hiểu, tôn trọng và yêu thương. Hãy “ngừng” áp đặt suy nghĩ của bản thân về sự vật lên trẻ mà để cho trẻ tự do thể hiện ngôn từ thông qua cách cảm nhận riêng của mình.

Chính những trải nghiệm giao tiếp, chơi trong sự tôn trọng và đồng hành, thấu hiểu của người lớn sẽ giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp vốn có của ngôn ngữ, phát huy khả năng ngôn ngữ sẵn có. Từ đó, trẻ phát triển toàn diện trong tương lai và sẵn sàng cho các bậc học tiếp theo với sự nhạy bén về ngôn ngữ khác biệt.

Hy vọng những thông tin trên hữu ích với ba mẹ.