Người Nhật có câu “Nếu bạn đợi đến khi 8 tuổi mới dạy con về nhân cách thì e chừng đã muộn rồi”. Thấu hiểu điều đó, hệ thống Mầm non Sakura Montessori và IKIDS Montessori đã tận dụng tối đa giai đoạn vàng từ 0 đến 6 tuổi của trẻ để giáo dục các con theo phương pháp giáo dục Montessori khoa học và bài bản. Bởi tuyên ngôn của Montessori chính là tạo nên những em bé tự lập, chủ động sáng tạo, ngoan ngoãn, hạnh phúc và tính kỷ luật.

Đó cũng chính là chia sẻ của Hot mom Phan Hồ Điệp trong Hội thảo Mon & Mom “Tại sao nên chọn phương pháp Montessori cho trẻ mầm non” do Cộng đồng Nghề Làm Cha Mẹ thuộc Sakura Montessori và IKIDS Montessori tổ chức.

Với trải nghiệm của người mẹ đã ứng dụng phương pháp Montessori thành công, hot mom Phan Hồ Điệp chia sẻ 6 lý do khiến phương pháp Montessori đặc biệt phù hợp với trẻ mầm non và được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Hot Mom Phan Hồ Điệp chia sẻ lý do nên lựa chọn phương pháp Montessori tại trường Sakura Montessori Hạ Long

1. Montessori dạy trẻ tự lập

Montessori đặc biệt đề cao tính tự lập. Những việc gì trẻ nhỏ có thể làm được thì luôn được khuyến khích tự làm. Đây cũng chính là điều thường xuyên xuất hiện trong các lớp học chuẩn Montessori, các cô giáo không làm thay hoặc làm hộ cho trẻ. Ở các trường mầm non bình thường, các em bé khi đến lớp được cô giáo ra đón, cô giúp cởi áo khoác, cất ba lô,… và những điều đó được coi như là “thước đo” cho sự quan tâm chăm sóc, âu yếm của cô đối với trẻ. Song, trong lớp học Montessori, các bạn nhỏ cần phải tự làm mọi việc.

Nhưng làm sao để có thể tự làm trong khi mọi việc đối với đứa trẻ đều khó khăn? Chính vì vậy, với môi trường giáo dục Montessori, mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn sàng với hệ thống học cụ và học liệu an toàn để khuyến khích trẻ thử tự làm. Mọi học cụ, học liệu và đồ dùng đều luôn đặt vừa tầm với trẻ. Ví dụ, ở trong lớp Montessori, luôn có giá để treo đồ, các móc áo đều nhỏ, đến lớp các bạn tư treo đồ vào đó.

Việc tự lập có thể giúp trẻ tự thấu hiểu bản thân mình, hiểu được quyết định của mình vào thời điểm nào đó đúng hay sai. Tự lập cũng giúp các em phát triển trí tuệ hơn, các em có thể tự làm mọi việc theo cách tối ưu và phù hợp nhất với bản thân bằng cách vận dụng trí tuệ của mình.

2. Montessori dạy trẻ về sự trật tự và sự ngăn nắp

Trật tự và ngăn nắp – nguyên căn đầu tiên để tạo nên 1 em bé lịch sự, nề nếp. Trong Montessori, mọi thứ đều ngăn nắp lịch sự, không có sự bừa bộn, đây cũng là điều khác biệt so với các trường mầm non thường. Trong trường mầm non bình thường, các em bé chơi trong các góc, được bày những đồ chơi của mình hoặc các cô là người bày ra để cho các em chơi. Trong khi ở lớp học Montessori, mọi thứ đều đi theo trật tự và ngăn nắp. Trẻ lấy ra những gì đều phải để lại ngăn nắp.

Ngăn nắp và trật tự gần như là một nguyên tắc trong Montessori. Nếu quan sát việc làm của cô giáo Montessori thì đó là một quy trình, tuân theo những nguyên tắc rất đặc biệt.

Ví dụ: Khi cô lấy ghế ra để ngồi, không bao giờ cô lôi ghế ra ra mà một cô giáo chuẩn Montessori sẽ nhấc ghế bằng 2 tay rồi đặt ghế ngồi xuống. Trẻ sẽ ngồi đối diện trước mặt cô và cô trò cùng thực hành.

Khi thực hành, tất cả động tác của cô đều phải tuân thủ nguyên tắc. Ngay cả việc sau khi thực hành, các bạn nhỏ cũng cần phải xử lý rác trên bàn theo một trật tự nhất định. Mọi việc đều tính toán tỉ mỉ chi tiết theo nguyên tắc của Montessori. Khi những đứa trẻ theo Montessori được tiếp thu những thứ đó từ những năm tháng đầu đời thì trẻ sẽ tiếp thu những cái đó một cách vô thức, cho nên trẻ sẽ làm quen với việc đó và rất ngăn nắp, lịch sự.

3. Montessori rất quan tâm đến không gian riêng tư của trẻ

Không gian rộng của Montessori mang tới cho trẻ sự tự do thực hành hoạt động học tập. trẻ Trẻ sẽ là người đưa ra các quyết định lựa chọn môn học, cách thức trải nghiệm theo cá tính riêng và chọn góc học tập chúng muốn.

Nguyên tắc này xuất phát từ câu chuyện của nhà giáo dục Maria Montessori – người đã nghiên cứu thành công phương pháp giáo dục Montessori. Trong một lần bà đi quan sát lớp học, một cô giáo đã đến gần và cắt ngang hoạt của trẻ. Chứng kiến hành động đó, Maria Montessori càng nhận thấy rằng việc cắt ngang hoạt động của trẻ rất không tốt cho sự phát triển trí não của các con.

Cho nên, phương pháp Montessori kể từ khi ra đời đã luôn lấy trẻ làm trung tâm của mọi hoạt động. Cô giáo chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, trợ giúp trẻ khi trẻ thực sự cần. Do vậy, một bạn nhỏ được giáo dục Montessori đúng cách sẽ có cơ hội tự khám phá, tự trải nghiệm và tự thu nhận những kiến thức hữu ích nhất trong cuộc sống. Sự tự do phát triển theo cá tính của bản thân trong một không gian riêng tư sẽ khơi nguồn cảm hứng cho mỗi đứa trẻ trong hành trình tự học của mình.

4. Montessori tôn trọng sự khác biệt của mỗi trẻ

Ở môi trường Montessori, nhà trường luôn tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của mỗi trẻ. Montessori khuyến khích trẻ thể hiện bản thân theo sự riêng biệt của mỗi cá nhân mà không cần tuân theo bất cứ quy chuẩn nào.

Người ta vẫn thường ví von rằng: “Lớp học Montessori, trường học Montessori không phải như một cánh rừng cao su, cây nào cũng giống nhau mà như cánh đồng Amazon muôn vàn loài cây khác nhau. Em bé nào mạnh mẽ thì vẫn sẽ mạnh mẽ, bé nào dịu dàng thì vẫn cứ dịu dàng,… Không ai có thể thay đổi những điều vốn dĩ tồn tại theo cách tuyệt vời nhất đó. Và em bé nào cũng sẽ được phát triển theo hướng cá nhân một cách tuyệt vời.”

5. Montessori giúp trẻ phát triển giác quan

Theo nghiên cứu của Montessori, khoảng thời gian từ 0-6 tuổi chính là giai đoạn trẻ nhạy cảm nhất về các giác quan. Và Montessori đã tận dụng tối đa giai đoạn “vàng” này để tập trung phát triển giác quan cho trẻ.

Thông qua các giáo cụ trực quan chuẩn Montessori như tấm màu sắc, khối hình học, khối hình trụ âm thanh, lọ khứu giác,… 5 giác quan của trẻ đều được kích thích phát triển. Trẻ nhìn, cầm, nắm, lắng nghe để cảm nhận, ngửi, nếm để nhận biết,… Trên cơ sở đó, trí não của các bạn nhỏ sẽ phát triển vượt bậc và có thể ghi nhớ sâu hơn những điều chúng thất.

6. Montessori giúp trẻ phát triển trí tuệ

0-6 tuổi có những thời điểm tối ưu để học, nếu ba mẹ bỏ lỡ những thời điểm quý nhất của trẻ, sau này sẽ rất khó quay lại. Ví dụ 2-3 tuổi, trẻ nhạy cảm về sự trật tự, đứa trẻ có thể khóc ầm lên khi nhìn thấy cái giá có đôi giày xếp lệch. 3-4 tuổi nhạy cảm về toán, trẻ rất thích con số, hỏi về hình, lớn hơn nhỏ hơn,… Thời kỳ phát triển ngôn ngữ lại bắt đầu lúc 2 tuổi và rực rỡ lúc 3 tuổi.Vậy nên, giáo viên Montessori cần hiểu được đứa trẻ đang ở thời điểm nhạy cảm về thứ gì để tập trung vào thứ đó.

Với giáo dục Montessori, trẻ được tiếp cận và học tập đa lĩnh vực. Cụ thể như: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Toán học, Ngôn ngữ, Khoa học, Văn Hóa, Lịch sử, Địa Lý, Nghệ thuật, Âm nhạc… Từ đó, trẻ có khả năng tiếp thu những tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau và tăng cường khả năng tư duy của mình.

Với lợi thế mang tới sự phát triển toàn diện cho trẻ về mọi mặt, phương pháp Montessori đặc biệt phù hợp để giáo dục trẻ trong 6 năm đầu đời.

Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp cho ba mẹ.