Các hoạt động thực hành cuộc sống trong lớp học Montessori sinh động và chân thực luôn khơi gợi hứng thú và mang đến cho các bạn nhỏ nhiều trải nghiệm hữu ích và kỹ năng quan trọng.

Tiên phong đặt nền móng phương pháp giáo dục Montessori tại Việt Nam, hệ thống trường mầm non Sakura Montessori và trường Mầm non IKIDS Montessori xây dựng hệ chương trình Montessori chuẩn Hoa Kỳ khoa học và bài bản. Theo đó, các hoạt động học tập trong lĩnh vực Thực hành cuộc sống được thiết kế phù hợp theo văn hóa, nhịp độ phát triển tự nhiên và môi trường sống của trẻ nhằm giúp trẻ đạt được sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần.

Thực hành cuộc sống mang đến cho trẻ cơ hội phát triển kỹ năng toàn diện

Thực hành cuộc sống là một trong những lĩnh vực quan trọng của phương pháp giáo dục Montessori do tiến sỹ, bác sỹ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori nghiên cứu và phát triển. Ở lĩnh vực này, trẻ sẽ được làm quen và thực hành các hoạt động liên quan tới nhiều mặt của cuộc sống. Các hoạt động và bài học trong lĩnh vực thực hành cuộc sống giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, tính tự lập, sự tập trung và tính kỷ luật trong công việc mình làm:

– Hoạt động chăm sóc bản thân:

Trong hoạt động chăm sóc bản thân, các bạn nhỏ sẽ được thực hành một số hoạt động như sau:

Các hoạt động tự phục vụ: đánh răng, chải tóc,  tự treo quần áo, mũ , cài khuy áo, thắt nơ, thắt dây giày, khâu may đồ vật, xếp khăn ăn, tự cắt đồ ăn, nghiền, rắc, tự làm một số món ăn, tự dọn bàn ăn,…

Các hoạt động di chuyển đồ vật đóng, mở đồ vật; di chuyển đồ vật bằng tay, chuyển đồ vật bằng dụng cụ (như kẹp gắp, phễu, bọt biển, thìa,…)

Khám phá lĩnh vực Thực hành cuộc sống trong lớp học Montessori
Trong lĩnh vực Thực hành cuộc sống, các bạn nhỏ IKIDS Montessori được thực hành rất nhiều các hoạt động gắn với đời sống hàng ngày

– Hoạt động chăm sóc môi trường: tưới cây, trồng cây, chăm sóc cây, cắm hoa, lau dọn và vệ sinh các giáo cụ, vật dụng xung quanh môi trường (đánh bóng đồ vật, lau bụi giá kệ,…),…

– Bài học lịch sự và nhã nhặn dạy trẻ biết chào hỏi, biết cảm ơn và xin lỗi, biết tôn trọng bản thân, người khác và môi trường xung quanh, biết giao tiếp và tương tác một cách lịch sự với người lớn và bạn bè đồng trang lứa, tham gia vào các buổi tiệc trà để hình thành kĩ năng xã hội,…

Đối với trẻ nhỏ, những hoạt động đặc biệt này có ý nghĩa quan trọng và mang tính cá nhân cao, giúp trẻ phát triển bản thân và tinh luyện các kỹ năng đạt đến độ thuần thục. Thông qua sự tương tác với môi trường và hoạt động của đôi bàn tay, trẻ sẽ tự động tiếp thu và ghi nhớ các cách thức, phương pháp thực hiện những hoạt động cá nhân theo tiến trình khoa học và hiệu quả nhất. Trẻ được kích thích cảm nhận và thu nhận những điều hay lẽ phải về văn hóa, lối sống và hoạt động của con người trong môi trường.

Từ đó, cá nhân trẻ tự hình thành các kỹ năng sống quan trọng về các nguyên tắc cơ bản cùng những đức tính như tính tự lập, sự tự tin, tính kỷ luật, tinh thần hợp tác, tình yêu thương, sự chủ động, kiểm soát bản thân và trách nhiệm với môi trường xung quanh…

Bởi sự ảnh hưởng tích cực của hoạt động thực hành và khám phá sinh động, Thực hành cuộc sống được coi là lĩnh vực giúp xây dựng nền tảng vững chắc về kiến thức và kỹ năng cho trẻ hội nhập tương lai.

Những đặc điểm của hoạt động Thực hành cuộc sống mà phụ huynh cần biết

Tại các lớp học Montessori thuộc hệ thống trường Mầm non Sakura Montessori, hoạt động Thực hành cuộc sống sẽ có những đặc điểm sau đây:

Dựa trên thực tế: Các hoạt động này phải dựa trên thực tế. Trẻ rửa bát đĩa với nước và xà phòng thật, chúng ta đánh bóng giày bằng xi thật và cắt hoa quả với dao thật. Sự an toàn nằm ở tính thực tế.

Không giới hạn: Các bài học  không có một giới hạn nào hết mà phụ thuộc vào văn hóa và nhu cầu trong môi trường sống và sự khác nhau từ môi trường này đến môi trường khác, hay từ nước này sang nước khác. Bạn có thể sáng tạo ra bài học của riêng mình bằng việc bám sát với các định hướng của lý thuyết trong lĩnh vực Thực hành cuộc sống.

Mỗi hoạt động chỉ có một: Dù không có giới hạn nào về số lượng hoạt động thực hành cuộc sống trong môi trường, nhưng mỗi hoạt động chỉ có một bộ duy nhất. Việc này giúp trẻ học được rằng trẻ cần đợi tới lượt và cuộc sống không luôn thỏa mãn mình ngay lập tức. Kết quả là giáo cụ sẽ được trân trọng hơn. Bạn luôn có thể để dành các hoạt động trong tủ đựng và thi thoảng thay đổi nếu có đồ gì bị vỡ, hỏng, nhưng luôn luôn chỉ có 1 bộ trên giá.

Khám phá lĩnh vực Thực hành cuộc sống trong lớp học Montessori
Các hoạt động thực hành cuộc sống luôn thu hút sự tò mò khám phá và trải nghiệm của trẻ

Giáo cụ có khay đựng: Các giáo cụ đều được đặt trong giỏ, rổ, khay, hoặc trên một giá đỡ ở một vị trí nhất định. Tất cả giáo cụ đều phải hoàn chỉnh, được chuẩn bị và đã sẵn sàng để sử dụng. Người chuẩn bị môi trường cần đảm bảo rằng hoạt động đã được chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ nhất nhằm giúp trẻ thành công với hoạt động đó. . Việc này hỗ trợ cho thời kỳ nhạy cảm về tính trật tự của trẻ trong đó sự trật tự của ngoại cảnh này sẽ bổ trợ cho sự trật tự trong nội tâm của trẻ.

Vị trí của giáo cụ: Các giáo cụ nên được đặt theo nhóm, ví dụ các hoạt động chuẩn bị đồ ăn được đặt ở giá chuẩn bị đồ ăn, khung cúc áo được đặt ở góc chăm sóc bản thân và tương tự như thế. Các hoạt động nước nên gần một nguồn nước để hỗ trợ trẻ thực hiện hoạt động này thành công.

Khám phá lĩnh vực Thực hành cuộc sống trong lớp học Montessori
Giáo cụ được sắp xếp khoa học, ngăn nắp trong các lớp Montessori tại IKIDS

Trình tự của các hoạt động:  Mỗi một hoạt động đều có bước bắt đầu, quá trình thực hiện và bước kết thúc. Trẻ cần thực hiện hoàn chỉnh một chu trình công việc từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Trẻ di chuyển hoạt động bằng hai tay, mang đến khu vực làm việc, sau đó ngồi xuống và thực hiện công việc theo đúng mục đích, cuối cùng trẻ cất hoạt động về vị trí ban đầu khi đã hoàn thành xong.

Các chức năng: Tất cả các giáo cụ cần có mục đích sử dụng rõ ràng và chức năng thích hợp với thao tác. Không có gì tệ hơn là sử dụng một vật dụng không thực hiện được tác vụ liên quan. Con dao phải cắt được. Nếu một vật dụng không dành cho tác vụ liên quan thì đứa trẻ sẽ tìm kiếm một thứ khác để làm việc đó hoặc nghĩ rằng mình không thể thực hiện được hoạt động này dù bé nhìn thấy mọi người đều làm được. Người lớn cần đặt hết tâm trí nghĩ tới khả năng của trẻ để lựa chọn và kiểm nghiệm các giáo cụ này.

Kích cỡ giáo cụ: Trong lớp học Montessori, các giáo cụ cần có tỷ lệ phù hợp, cân đối với cơ thể trẻ. Thậm chí kích cỡ của miếng bọt biển hoặc bàn chải cũng phải phù hợp với bàn tay trẻ để chúng có thể sử dụng nó thành công.

Các giáo cụ tới từ thiên nhiên: Các giáo cụ tới từ thiên nhiên sẽ mang tới nhiều cơ hội cho sự trải nghiệm đa giác quan và có tính thẩm mỹ cũng như dễ chịu hơn khi chạm vào.

Dễ lau rửa: Các giáo cụ cần được lau rửa thường xuyên, đảm bảo vệ sinh và dễ dàng được làm sạch.

An toàn: Một trong những đặc điểm ưu tiên của giáo cụ là sự an toàn. Các đồ vật có cạnh sắc thường được bo viền và góc hoặc bọc lại.

Tính trật tự: Sự trật tự luôn cần được được đảm bảo từ cách sắp xếp các góc đến cách thức thực hiện bài học. Trong đó, ngay cả các hoạt động trên giá cần được đặt theo trật tự từ đơn giản đến phức tạp theo chiều từ trái sang phải.

Văn hóa: Các hoạt động thực hành cuộc sống nên phản ánh văn hóa trong môi trường sống của trẻ. Hãy chọn các hoạt động gắn liền với những nét văn hóa đó. Không nên chọn hoạt động không phù hợp với văn hóa của các bạn.

Với sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí chuẩn mực của phương pháp giáo dục Montessori quốc tế và sự đầu tư về môi trường, cơ sở vật chất, trường Mầm non IKIDS Montessori tự tin khơi dậy tiềm năng sẵn có, trang bị cho các con đầy đủ các kỹ năng cần thiết để trở thành những công dân toàn cầu.

Có thể nhận thấy rằng, các hoạt động của lĩnh vực Thực hành cuộc sống trong Montessori vô cùng thân thuộc và gần gũi với trẻ trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, người lớn hoàn toàn có thể áp dụng giáo dục trẻ tại nhà theo đúng tinh thần của phương pháp giáo dục Montessori.

Hi vọng những thông tin trên đã mang đến cho quý phụ huynh cái nhìn toàn diện nhất về lĩnh vực đặc biệt này.

Tham khảo bài viết của Tác giả Heidi Philipart – đăng trên AMI US