Bạn có dạy trẻ cái gì không?
Chuyện gì thật sự diễn ra trong lớp học Montessori cho trẻ tập đi.

Tác giả: Heather S.Dore,PhD.*

“Vào đầu năm học, giáo viên nhóm trẻ tập đi làm việc cật lực để thiết lập nề nếp sinh hoạt và các quy trình, và trong quãng thời gian sau đó thì giáo viên sẽ dần dần lùi lại, trao cho trẻ quyền kiểm soát lớp học nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của mình. Cô dành cho trẻ những khoảng không gian và thời gian cần để trẻ bộc lộ bản ngã của chúng. Dấu hiệu thành công nhất của một giáo viên là có thể nói rằng: “Bọn trẻ giờ đây làm việc cứ như thể tôi không hề tồn tại vậy” (Montessori, 1967, tr.283). Vì vậy, nó dĩ nhiên không phải là những gì mà giáo viên trực tiếp dạy trẻ, thế nhưng bọn trẻ đi ra từ trường Montessori lại được trang bị cả một kho kỹ năng sống cần thiết.

 

Đấy là những kỹ năng nào? Kể ra thì phải nói là vô số. Bố mẹ thường quan tâm đến những kỹ năng học thuật như là kỹ năng trước khi đọc, viết chữ và làm toán. Ở lớp trẻ tập đi, những kỹ năng này được lồng ghép kỹ lưỡng vào chương trình học. Chẳng hạn các thẻ ngôn ngữ cung cấp cho trẻ vốn từ mới. Hiện chúng tôi có cả bộ thẻ chữ cùng với ảnh của một chiếc lá, một bông hoa tulip và một giỏ treo hoa. Bọn trẻ có thể tự do khám phá những bộ thẻ này hoặc giáo viên sẽ chính thức giới thiệu riêng cho từng trẻ hoặc một nhóm nhỏ bằng bài học ba bước. Các bài mỹ thuật gián tiếp hỗ trợ sự phát triển kỹ năng cần có trước khi học viết thì luôn có sẵn mỗi ngày, nào là viết trên muối, cát, cà phê hay hoạt động với đinh ghim. Chúng tôi sử dụng số đếm mỗi ngày, từ việc dạy trẻ tính lượng thìa thức ăn cho phần ăn nhẹ của mình, cho đến số trẻ tham gia hoạt động trong vòng tròn hay là số chim đang đậu trong sân trường… Mọi thứ diễn ra thân tình, tự nhiên và hiện diện trong từng ngóc ngách của giáo trình. Trẻ rất thích các hoạt động dạng này.

Trong những tháng năm học tại trường Montessori, các bé được trang bị vô vàn kỹ năng. Kỹ năng xã hội luôn được coi là trọng yếu nhất ở trường. Với trẻ tập đi, khi trẻ hòa vào môi trường lớp học thì cũng là điểm đánh dấu cho sự khởi đầu của việc trẻ cọ xát trong một nhóm cộng đồng. Hầu hết trước đó những trẻ này chỉ ở nhà cùng bố mẹ, nếu đông hơn thì có thêm một đến hai anh chị em, vì vậy khi có đến 11 trẻ khác bên cạnh (mỗi lớp học chúng tôi có 12 trẻ) thì chúng phải học cách cùng nhau tồn tại. Tác phong nhã nhặn và phép lịch sự là hai phần quan trọng trong giáo trình Montessori và trẻ được học ngay từ lớp trẻ tập đi/Toddler. Là giáo viên chúng tôi phải luôn là những người chuẩn mực trong mọi việc để làm gương cho trẻ, những hành vi ứng xử phải phép như là nói “làm ơn”, “cảm ơn” luôn được giáo viên dùng khi giao tiếp. Trẻ dần dần tin tưởng vào cộng đồng lớp học thông qua những tương tác phù hợp và đề cao sự tôn trọng với giáo viên và bạn bè. Từ đó những thói quen văn minh, lối sống tử tế được phát triển trong trẻ hoàn toàn tự nhiên.

Học cách tự đi vệ sinh, một kỹ năng trọng yếu mà trẻ tập đi cần được trang bị, thường được hướng dẫn kỹ càng trong lớp học của trẻ tập đi (trẻ dưới 3 tuổi). Đối với đa số trẻ, đây chỉ là một quá trình đơn giản và trẻ dễ nắm bắt  như bất cứ bài học Montessori nào khác mà không cần ngoại lực kích thích. Đi vệ sinh chỉ là một khía cạnh của việc tự chăm sóc bản thân. Trẻ tập đi học nào là lau sạch mũi, mặc và cởi trang phục, chuẩn bị snack và tự phục vụ mình khi ăn. Chúng còn học cả việc biết quan tâm chăm sóc môi trường lớp học như là đảm bảo lớp học sạch sẽ và xinh đẹp, giáo cụ đặt đúng vị trí, và môi trường đó phải luôn có sự tôn trọng. Việc chăm sóc môi trường còn là quan tâm cây cối và động vật. Trong lớp học, chúng tôi có nuôi một em chuột lang đáng yêu có tên Bugsy. Đều đặn mỗi ngày chúng tôi cho em ấy ăn, uống nước và cho cả tình yêu nữa. Chăm sóc cho Bugsy luôn là hoạt động yêu thích của bọn trẻ.

Các kỹ năng vận động tinh và thô cũng được phát triển và đạt độ hoàn hảo trong độ tuổi 18-36 tháng. Trường chúng tôi may mắn là có ba không gian rộng rãi cho mỗi lớp học của trẻ lứa tuổi tập đi để chúng khám phá: mái hiên có kính chắn trong suốt, phòng học chính, khu vui chơi ngoài trời có hàng rào chắn. Bọn trẻ di chuyển tự do trong ba môi trường này phần lớn thời gian. Các hoạt động thô diễn ra ngoài trời. Trẻ có thể chơi hộp cát, leo dốc cầu, đi bộ trên cầu, chơi bập bênh, cầu trượt, vận động với nhiều kiểu xe đạp và xe đẩy. Cùng với những giáo cụ trong lớp học, chúng được luân phiên thường xuyên. Trẻ gặp trở ngại về thể chất thích lên, xuống các bậc cầu thang không mệt mỏi đến khi thuần thục mới thôi. Khi trẻ đang trong giai đoạn nhạy cảm với vận động dường như chúng chả làm được việc gì ra hồn cả. Các vận động tinh trong nhà có thể bao gồm di chuyển vật từ nơi này sang nơi khác bằng nhiều loại dụng cụ như là kẹp gắp, thìa…), hoạt động rót khô và rót nước, dùng kéo cắt.

Trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi là những  nhà khoa học có bản năng tò mò, vì vậy các kỹ năng nghiên cứu, quan sát được góp nhặt và mài giũa trong suốt giai đoạn này. Bọn trẻ nghiệm được các tính chất vật lý, sinh học, thực vật học khi chúng cho xe rơi khỏi bàn, khi chúng gieo hạt vào lòng đất rồi tưới nước, khi chúng tận mắt thấy sâu tạo kén, giấu mình trong kén rồi sau đó biến thành những chú bướm bay lượn. Mở lối tiếp cận với môi trường tự nhiên bên ngoài là cách chúng ta cho trẻ ghi nhớ các bài khoa học mỗi ngày.

Kỹ năng cuối cùng mà chúng ta dễ bỏ qua là khả năng trẻ có thể tách rời khỏi bố mẹ và giúp trẻ đặt niềm tin vào những người lớn khác. Với một số trẻ lứa tuổi này, đây là việc khá khó, chúng cần khoảng vài tuần để tạo dựng niềm tin trong môi trường mới mà chúng tôi gọi là môi trường tách biệt. Quá trình này diễn ra chậm, từ từ và phải theo đúng trình tự thì mới có thể giúp trẻ thích nghi với môi trường mới. Có nhiều trẻ quen nhanh hơn trẻ khác và không có phương án nào là đúng hay sai trong quá trình này: mọi việc chúng ta cần làm là bằng cách này hay cách khác từ từ tách rời bé khỏi người thân trong gia đình.

Vậy nên, công việc của giáo viên  Montessori không phải cứ là dạy trẻ – ít nhất là không theo lối dạy truyền thống nhồi nhét thông tin vào những bộ óc non nớt –  mà là tạo cơ hội, sự tự do học hỏi và hay nhất là để trẻ tự dạy chúng trong lớp học. Chỉ vậy thôi mà quá trình học hỏi được khẳng định là có diễn ra theo cách thức vui vẻ. Tóm lại như Montessori nói:

Nhiều người giống như tôi có ý rằng thời kỳ quan trọng nhất của cuộc đời không phải ở tuổi học đại học mà là thời kỳ đầu tiên, giai đoạn từ khi sinh ra cho đến 6 tuổi. Vì đó là khi trí tuệ, bộ máy thực thi vĩ đại nhất được hình thành. Thế nhưng không chỉ có não bộ mà những năng lực tâm linh cũng phát triển toàn phần. (1976,tr.22)”

Trích dẫn Tài liệu workshop Montessori 0-3,Trung tâm đào tạo Montessori Việt Nam (Montessori Training Center of Viet Nam).

*  Heather S. Dore, PhD, là giáo viên chủ nhiệm lớp học 0-3 ở trường Discovery Montessori tại Jacksonville Beach,FL. Bà nghiên cứu tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học tại đại học Floria, bà có chứng chỉ AMS độ tuổi 0-3.

Nội dung cùng chủ đề: