Nuôi dưỡng ý thức tôn trọng bản thân, tôn trọng mọi người cho trẻ ngay trong giai đoạn Mầm non sẽ tạo nền tảng vững chắc để hình thành tư duy giáo dục về sự tôn trọng của trẻ sau này. 

Đó là những chia sẻ của các giáo viên Montessori Quốc tế tại Hệ thống Trường Mầm non IKIDS Montessori, Sakura Montessori khi được hỏi về vấn đề nuôi dưỡng sự tôn trọng ở trẻ trong giai đoạn Mầm non. 

Mỗi giáo viên là một tấm gương

Theo cô Lê Vân – Giáo viên Montessori Quốc tế, thành viên của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Ikids và Sakura: “Khi được sống trong môi trường tôn trọng, trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và quan trọng với những người xung quanh. Con hiểu tôn trọng là gì và tầm quan trọng của nó. Từ đó, trẻ dần được xây dựng nền tảng vững chắc về sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình cùng những kỹ năng tương tác tốt với mọi người xung quanh  dựa trên sẻ chia và tôn trọng lẫn nhau để  trưởng thành và thành công trong tương lai”. 

Cho nên, tại hệ thống trường mầm non Ikids Montessori và Sakura Montessori, các giáo viên Montessori luôn nỗ lực xây dựng một môi trường tôn trọng trẻ để trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, từ đó tôn trọng người khác. 

Theo đó, mỗi giáo viên Montessori sẽ là “một tấm gương” giúp trẻ học hỏi, biết cách cư xử lịch sử, tôn trọng mọi người và môi trường xung quanh.

Giáo viên Montessori luôn tôn trọng sở thích, năng lực của mỗi trẻ. Các con được trao quyền tự do di chuyển, tự do lựa chọn hoạt động phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Cô giáo chỉ là người quan sát, đưa ra định hướng, khuyến khích mà không can thiệp, làm gián đoạn chu trình làm việc của trẻ. 

Giáo viên luôn là những tấm gương, là người hỗ trợ đắc lực của trẻ trong môi trường giáo dục Montessori.

Khi  lựa chọn công việc của mình, con được tôn trọng không gian riêng và khoảng thời gian cá nhân của mình. Đồng thời, các con cũng được giáo dục cách tôn trọng quyền riêng tư của người khác qua các nguyên tắc lớp học: Đi bộ trong lớp, nói nhỏ, chờ đợi đến lượt… 

Giáo viên cũng chính là người làm mẫu về sự tôn trọng trong giao tiếp. Chúng tôi bày tỏ sự tôn trọng trẻ bằng cách thức giao tiếp với các con thông qua “lắng nghe tích cực” và “nói lên cảm nhận của bản thân”. Giáo viên sẽ ngồi ngang tầm mắt và nhìn thẳng vào trẻ để trò chuyện cùng con. 

Khi trẻ khóc, chạy đến bên bạn và nói rằng “Con đã làm mất Rochie”: Thay vì nói “Con thật là bất cẩn/Tại sao con lại làm mất được chứ?” thì giáo viên sẽ lắng nghe cảm xúc của trẻ và giúp trẻ gọi tên cảm xúc đó: “Cô biết là con đang buồn vì bị mất con gấu bông mà con yêu thích nhất”. Sau đó, luôn bên cạnh và lắng nghe trẻ để con cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng.

Hay khi trẻ luôn nghịch ngợm trong lớp, trẻ có thể bị ngã… Thay vì quát mắng “Sao con nghịch thế nhỉ? Tại sao con không thể ngồi yên 1 chỗ được nhỉ?”, giáo viên Montessori thường nói: “Khi con chạy nhảy trong lớp, cô cảm thấy lo lắng vì con có thể bị ngã hoặc va chạm va vào đồ đạc khiến con bị thương…”

Giáo viên Montessori không thưởng – phạt và khen chê, thay vào đó, họ luôn đưa ra những lời động viên, khích lệ với những cố gắng rất nhỏ của trẻ, để trẻ cảm thấy được tôn trọng về thành quả mình đạt được và lấy đó là động lực để cố gắng hơn nữa.

Ngoài ra, hệ thống bài học Montessori trong lớp Montessori về “phép lịch sự nhã nhặn” về cảm ơn, xin lỗi, cách di chuyển trong không gian lớp học, cách xếp hàng và chờ đợi đến lượt, cách đóng cửa, mở cửa… cũng bổ trợ cho trẻ những thói quen tích cực về cách cư xử, hợp tác linh hoạt và kỷ luật tích cực…

“Chúng tôi tôn trọng trẻ bằng cách chuẩn bị một môi trường sẵn sàng cho con trải nghiệm, khám phá. Lớp học luôn được chuẩn bị các giáo cụ với nhiều lĩnh vực: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Toán học, Ngôn ngữ, Văn hoá (Lịch sử, Địa lý, Khoa học) và Nghệ thuật. Không gian lớp chia thành các góc ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát. Các giáo cụ, đồ dùng đều được thiết kế với kích cỡ phù hợp với trẻ… Chính những chi tiết nhỏ đó sẽ khiến trẻ cảm thấy mỗi ngày đến lớp, con đều được chào đón và tôn trọng.” – Cô Vân cho biết thêm.

Mỗi gia đình là một “tổ ấm” đầy tình thương yêu, quan tâm và tôn trọng trẻ

“Trí tuệ thẩm thấu” trong giai đoạn từ 0 đến 6 cho phép trẻ tiếp nhận mọi điều trẻ cảm nhận và học hỏi từ môi trường xung quanh. Cho nên, nếu ở trường, mỗi cô giáo là “tấm gương” về sự tôn trọng của trẻ thì trong chính gia đình nhỏ của trẻ, ba mẹ cũng chính một “tấm gương” để trẻ noi theo. 

Ba mẹ có thể áp dụng những cách thức cơ bản mà giáo viên Montessori thường xuyên làm với trẻ nêu trên. Đồng thời hay cho trẻ tự trải nghiệm tình cảm, sự quan tâm, tôn trọng của ba mẹ dành cho mình, con gắn bó và dễ dàng tiếp nhận những gì ba mẹ mong muốn ở trẻ. Nếu thường xuyên quan sát thấy ba mẹ thể hiện tình yêu, sự quan tâm chăm sóc và tôn trọng mọi người xung quanh trẻ, trẻ sẽ học theo và luôn bộc lộ những tính cách đó trong cuộc sống hàng ngày. 

Cô Vân cũng nhấn mạnh đến ngôn ngữ và hành động của ba mẹ trước mặt trẻ cần phải phù hợp, lịch sự và chân thành… thể hiện rõ sự tôn trọng trẻ và giúp các con cảm nhận điều đó. 

Ba mẹ nên nhớ những câu nói so sánh trẻ này với trẻ khác như “Mẹ thấy bạn A nói Tiếng Anh tốt hơn con nhiều”, “Ba thấy bức tranh của B đẹp quá! Còn con thì…” sẽ không làm trẻ tốt hơn, ngược lại gây tổn thương cho trẻ. Con mặc cảm, tự ti, thậm chí hình thành những cảm xúc tiêu cực, chán ghét ba mẹ, giận dữ với những trẻ khác… Cho nên, đừng ép con phải giống một ai đó. Bởi mỗi trẻ đều có quyền thể hiện sự khác biệt và cần được tôn trọng vì điều đó. 

Hãy là những người lớn biết giữ lời hứa. Bởi đó là một cách tôn trọng trẻ. 

Hãy dành thời gian bên con, nhất là khi con trong độ tuổi từ 0 đến 6. Dù bận rộn, ba mẹ cũng nên dành một khoảng thời gian trong ngày cho con. Ba mẹ có thể trò chuyện, chơi cùng con, đọc sách cùng con, kể chuyện cho con trước khi đi ngủ. Thời gian bên con càng nhiều thì sợi dây gắn kết giữa ba mẹ và con cái càng bền chặt.

Hi vọng những thông tin trên hữu ích với ba mẹ trong việc nuôi dưỡng sự tôn trọng ở trẻ mầm non.