Trong cuộc sống, cha mẹ luôn mong muốn con cái có một cuộc sống tốt đẹp, bình an và hạnh phúc. Cho nên, các bậc làm mẹ, làm cha đặc biệt quan tâm tới việc phát triển toàn diện cho trẻ về mọi mặt trí tuệ, thể chất, tình cảm và giao tiếp xã hội. Chính cha mẹ sẽ trở thành “người thầy” hướng dẫn và chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết để các con trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai.

Ngay từ khi trẻ còn ở độ tuổi mẫu giáo, cha mẹ nên đầu tư thời gian để định hướng và giúp trẻ phát triển tốt những kỹ năng mềm cần thiết.

1. Tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề

Theo PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ở giai đoạn trẻ từ 4 đến 5 tuổi, bản chất tư duy của trẻ con tập trung vào sự thắc mắc. Trẻ tò mò và rất thích đặt câu hỏi vì sao, tại sao liên quan tới các sự vật, sự việc xung quanh chúng. Do đó, cha mẹ cần chú ý lắng nghe và giải đáp những điều trẻ quan tâm.

Có thể, các bạn khó lòng trả lời hết các câu hỏi các con đặt ra, tuy nhiên, hãy thẳng thắn và thành thật. Bạn có thể dành thời gian tìm hiểu và hứa hẹn sẽ cho trẻ câu trả lời ngay sau đó. Điều này sẽ kích thích động cơ, hứng thú và thôi thúc trẻ rèn khả năng tự tư duy cá nhân.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng là người dạy trẻ cách giải quyết các vấn đề. Khi trẻ gặp một phải một rắc rối, hãy rèn cho trẻ sự bình tĩnh, tự tin tìm hiểu những gì mình đang gặp phải theo cách riêng để tìm được phương án xử lý tối ưu. Từ đó, trẻ sẽ được trang bị kỹ năng phán đoán và tự biết xoay xở khi gặp khó khăn.

2. Kỹ năng giao tiếp và ứng xử

Giao tiếp vốn có vai trò quan trọng trong việc phát triển tâm sinh lý cho trẻ em. Kỹ năng giao tiếp tốt là một trong những cách để để cha mẹ và trẻ chia sẻ và tiếp nhận những thông tin có ích, góp phần giúp trẻ cởi mở hơn. Bản năng nhỏ tuổi của các con không cho phép chúng thấu hiểu người lớn cần gì ở mình cũng như người lớn không thể hiểu cảm xúc hay những điều trẻ muốn nếu không xây dựng sự kết nối trong giao tiếp.

Cha mẹ cần nhớ rằng một đứa trẻ đơn thuần vốn có rất nhiều cảm xúc khác nhau. Có thể trạng thái cảm xúc của trẻ bộc lộ trực tiếp qua hành vi hoặc chính lời nói nhưng cũng có những xúc cảm bị trẻ giấu kín. Và cách tốt nhất để bạn hiểu con cái chính là sự quan sát và lắng nghe.

Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn và dạy dỗ các con cách giao tiếp ngay từ khi còn nhỏ. Bạn có thể chỉ cho trẻ cách gửi một thông điệp rõ ràng bằng lời nói cụ thể, rõ ràng và rành mạch. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói bất cứ điều gì các con muốn, hướng trẻ đến việc tư duy chia sẻ bằng từ khóa hàm chứa nội dung chúng mong muốn nhận được hồi đáp. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành khả năng tư duy ngôn ngữ, giao tiếp phản biện và kỹ năng ứng xử trong tương lai.

3. Trang bị kỹ năng thích nghi với thay đổi của môi trường

Việc giúp trẻ tập thích nghi với những biến đổi của môi trường vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Bởi theo Steve Taylore – Tác giả của 2 chương trình học kỹ năng sống nổi tiếng “OpenMind” và “American English Mind series” cho rằng: “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, không ai trong chúng ta có thể dự đoán chính xác với bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống hoặc công việc trong tương lai, chúng ta chỉ có thể trang bị cho trẻ những kỹ năng thích nghi với những thay đổi đó, khi trẻ có kỹ năng ngôn ngữ và tư duy phản biện, sáng tạo cùng kỹ năng giao tiếp tốt, trẻ có thể chủ động biến chúng thành thói quen tư duy hàng ngày và ứng dụng trong cuộc sống một cách linh hoạt”.

4. Kỹ năng làm việc nhóm

Chúng ta vẫn thường hay cho rằng: “Trong cuộc sống, có rất nhiều con đường để bạn chọn lựa, nếu bạn muốn đi thật nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Và trong thế giới của trẻ, quan điểm này vẫn luôn đúng. Khi trẻ biết làm việc nhóm khoa học, biết cách phối hợp, trao đổi và kết nối với mọi người, các con dễ dàng hiểu ra sự đoàn kết sẽ mang đến cho chúng ta những thành công rực rỡ. Để giúp trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng này chỉ có một cách duy nhất là cho các con tiếp xúc nhiều với môi trường tập thể. Tại đó, bản thân trẻ sẽ tự mình học cách tương tác với các bạn dựa trên việc thể hiện quan điểm cá nhân, tranh biện và phối hợp làm việc.

5. Không ngừng học hỏi và tiếp thu cái mới

Trong kho tàng danh ngôn thế giới vẫn thường lưu truyền câu nói: “Cuộc đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”. Theo đó, có thể nhận thấy rằng, câu chuyện chinh phục tri thức nhân loại vẫn luôn là một chặng đường dài trong cuộc đời của mỗi người. Do vậy, cha mẹ phải giảng dạy cho các con biết học hỏi không ngừng và tiếp thu những điều mới mẻ chính là cách tốt nhất để phát triển tương lai. Các con cần phải “học, học nữa, học mãi” như nhà triết học Lê – nin đã từng nói. Có như thế, con đường phía trước mới trở nên tốt đẹp và rực ánh hào quang.

6. Kiên trì trong công việc

Với tâm lý non nớt, giản đơn, trẻ rất dễ bị rơi vào trạng thái chán nản trước những thất bại và khó khăn. Đôi khi, chỉ một lần thua cuộc trong trò chơi hay một lần bị điểm kém,… cũng đủ làm trẻ buồn bã, thất vọng và mệt mỏi. Nhưng chính sự vấp ngã đó lại là cơ hội thuận lợi để bố mẹ chỉ dạy cho con những bài học tuyệt vời về thành công. Thành công chỉ đến với những ai biết kiên trì, vững bước tiến về phía trước. Thành công chỉ chào đón những cá nhân luôn nỗ lực hết sức để khẳng định chính mình.

Hãy dạy cho trẻ biết cách rèn luyện ý chí, mạnh mẽ làm chủ bản thân và luôn ngẩng cao đầu tiến về tương lai. Đó chính là những kỹ năng sống tốt mà bất cứ đứa trẻ nào cũng nên được trang bị.

7. Sáng tạo và dám mạo hiểm

Thay vì cấm đoán con thử sức với các tình huống mạo hiểm, cha mẹ nên trao cho con cơ hội để thử nghiệm những hoạt động mới lạ nhằm kích thích sự sáng tạo và phát triển khả năng của trẻ. Tất nhiên, quý phụ huynh luôn là những người theo dõi từng trải nghiệm của các con để đảm bảo sự an toàn tối đa.

Thử sức sẽ không hề gây tổn hại nếu cha mẹ biết cách thấu hiểu cảm xúc và đáp ứng những điều trẻ mong muốn một cách có chọn lọc và phù hợp. Trẻ cần được gợi cảm hứng để trở thành người sáng tạo và đổi mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Trẻ em là tương lai của đất nước và xã hội. Nếu bạn yêu con, hãy để con được tự lập. Yêu con, hãy để con có được sự tự tôn. Yêu con, hãy cho con đầy ắp tinh thần khám phá thế giới. Và nếu bạn yêu con, hãy để các con được phát triển theo yêu cầu cuộc sống của chính bản thân chúng. Và cha mẹ đừng quên tạo điều kiện tối đa giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng cần thiết, tư duy toàn diện và vững bước trên đường đời.

Nội dung cùng chủ đề: