Trang chủ Tin tức Nghề làm cha mẹ Giáo dục sớm khai mở và phát triển tiềm năng trí tuệ...

Giáo dục sớm khai mở và phát triển tiềm năng trí tuệ của trẻ trong giai đoạn đầu đời

2
1353

Khi người lớn biết áp dụng giáo dục sớm cho trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh, trẻ có thể đạt được sự phát triển tối đa về trí tuệ, tạo dựng nền móng cấu trúc nhân cách ngay trong giai đoạn đầu đời. 

Dưới đây là một số thông tin cơ bản giúp Quý Phụ huynh có một cái nhìn tổng quát và đúng đắn hơn về áp dụng giáo dục sớm cho con. 

Giáo dục sớm là gì?

Giáo dục sớm (thuật ngữ tiếng Anh: Early Childhood Education) là phương thức giáo dục áp dụng với trẻ từ sơ sinh nhằm giúp trẻ phát huy những phẩm chất tốt, khai phá tiềm năng, giúp trẻ phát triển trí tuệ và định hình, phát triển nhân cách tốt. 

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO định nghĩa: “Giáo dục sớm là thời kì từ sơ sinh đến 8 tuổi. Là thời kì phát triển vượt trội của não, những năm này đặt nền tảng cơ bản cho sự phát triển sau này của trẻ. Chăm sóc và giáo dục sớm không chỉ là chuẩn bị cho trẻ đi học sau này mà nó nhấn mạnh đến sự phát triển của trẻ – nhu cầu về xã hội, cảm xúc, phản biện, vật lí của trẻ để làm nền tảng vững chắc cho việc học tập lâu dài suốt đời sau này.”

Giáo dục sớm giúp trẻ xây dựng nền tảng tốt ngay trong giai đoạn đầu đời

Theo đó, những nội dung của cách thức giáo dục sớm cho trẻ mầm non bao gồm: giúp con xây dựng một cơ thể khỏe mạnh qua việc khuyến khích trải nghiệm, khám phá; khơi dậy tiềm năng, sở thích… để bồi dưỡng niềm đam mê trí tuê; mang đến cho con những cảm nhận văn hóa nghệ thuật; phát triển ngôn ngữ nghe và nói; giúp trẻ hình thành thói quen tốt qua việc rèn luyện các hành vi cư xử đúng mực hàng ngày…

Vai trò của giáo dục sớm đối với trẻ mầm non?

Theo tiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo dục Maria Montessori, 6 năm đầu đời là giai đoạn nhạy cảm đặc biệt của trẻ. Trẻ thẩm thấu kiến thức và những điều trẻ được giáo dục như miếng bọt biển thấm hút nước. Do đó, ở giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi, trẻ nhỏ nên được kích thích đúng cách và đầy đủ để tăng cường phát triển trí tuệ ngay từ giai đoạn đầu đời.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, từ lúc thụ thai, các tế bào thần kinh của não phát triển nhanh hơn bất kỳ tế bào nào khác trong cơ thể của trẻ. Tốc độ phát triển này của não trẻ vẫn được duy trì tới năm 6 tuổi: khi mới sinh kích thước não là 25% kích thước não người lớn, 1 tuổi là 50%, 2 tuổi là 75% và đến 3 tuổi não bé đã phát triển bằng 90% não người lớn.

Đặc biệt, nghiên cứu về trí lực của trẻ cũng chỉ ra 6 khả năng tuyệt vời của não bộ trẻ từ 0 đến 3 tuổi, gồm: Khả năng trực giác, Khả năng ghi nhớ chụp ảnh, Khả năng tính toán, lập trình như máy tính, Khả năng âm nhạc hoàn hảo, Khả năng lĩnh hội nhiều ngôn ngữ, Khả năng gắn kết hình ảnh.

Cho nên, khi được tiến hành giáo dục sớm, trẻ sẽ nhận các kích thích thông tin từ thế giới bên ngoài một cách phong phú. Từ đó, não bộ phát triển mạnh mẽ, giúp trẻ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin đa lĩnh vực theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 0-3 tuổi, trẻ tiếp nhận vô thức những gì trẻ nghe, nhìn, cảm nhận và được giáo dục. Còn giai đoạn 3-6, trẻ tiếp nhận có ý thức và có chọn lọc. Theo đó, trẻ chủ động nhận biết thế giới xung quanh, làm đầy kiến thức và kỹ năng, hoạt động tâm sinh lý cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Như vậy, việc giáo dục sớm sẽ tạo nên một cơ hội lớn để não bộ trẻ phát triển nở rộ, giúp khai mở tiềm năng, đặt nền tảng cho sự phát triển trí tuệ ở lứa tuổi thành niên và tuổi trưởng thành trong tương lai.

Vậy nên giáo dục sớm cho trẻ mầm non như thế nào?

Việc giáo dục sớm được thể hiện ngay chính việc chăm sóc, tương tác và chơi với con mỗi ngày của ba mẹ cùng sự giáo dục trẻ tại gia đình bằng sự tôn trọng, cho con nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá…

Tại trường học, giáo dục sớm nằm ở việc nhà trường mang tới cho trẻ cơ hội học tập, vui chơi để phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần…. Điều quan trọng đó là ba mẹ và nhà trường chú trọng giáo dục sớm cho trẻ một cách khoa học và hợp lý, không nhồi nhét kiến thức, không áp đặt mà để trẻ tự do phát triển theo nhịp độ tự nhiên của mình.

Ngoài ra, nếu ba mẹ có thể hiểu và áp dụng một phương pháp giáo dục sớm mà ba mẹ cảm thấy phù hợp với quan điểm giáo dục của gia đình và nhà trường thì đó là một định hướng không tồi. Hiện nay, một số phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng trên thế giới phải kể đến phương pháp Montessori, phương pháp Glenn Doman, Reggio Emilia, STEAM…

Với những thông tin trên, hi vọng ba mẹ đã có một cái nhìn rõ nét hơn về giáo dục sớm và vai trò của việc giáo dục sớm.

Mời Quý Phụ huynh đón đọc tuyến bài về giáo dục sớm của Sakura Montessori trong thời gian tới nhé!