Trang chủ Tin tức Nghề làm cha mẹ Hot Mom Phan Hồ Điệp chỉ ra 5 giai đoạn tối ưu...

Hot Mom Phan Hồ Điệp chỉ ra 5 giai đoạn tối ưu giúp trẻ học tốt

3
1219

Người ta thường nói rằng, nuôi con trong 18 năm đầu đầu đời được gọi là giai đoạn kim cương bởi đó là khi các con được sống với bố mẹ và được đầy đủ nhất. Nhưng giai đoạn ý nghĩa nhất lại là giai đoạn 6 năm đầu đời. Bởi theo nghiên cứu của nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, 0 đến 6 tuổi là thời điểm “nhạy cảm” để học của mỗi đứa trẻ. “Nhạy cảm” nghĩa là giai đoạn não của trẻ sẽ phát triển, phù hợp với những đặc tính vào khoảng thời gian đó.

Những lời chia sẻ từ Hot Mom Phan Hồ Điệp – cố vấn khóa học Mon & Mom của Trường Mầm non quốc tế Sakura Montessori trong Hội thảo “Thời điểm tối ưu để giúp con học tập tốt” tại trường mầm non IKIDS Montessori Thái Bình thực sự khiến các ba mẹ bất ngờ và cảm thấy ấn tượng.

Với kinh nghiệm của người mẹ đã ứng dụng Montessori thành công, Hot Mom Phan Hồ Điệp đã có những trải lòng chân thành về 5 giai đoạn tối ưu giúp trẻ học tốt.

Dưới 1 tuổi: Nhạy cảm về giác quan

Khi trẻ ở giai đoạn 0-1 tuổi, ba mẹ nên tập trung phát triển giác quan để kích thích phát triển trí não. Bởi lúc này, các đầu dây thần kinh sẽ tập trung vào tay và lưỡi. Nếu để ý, ba mẹ sẽ thấy cứ cầm tay vào đứa trẻ là bé sẽ nắm lấy và thậm chí là đưa lên lưỡi. Vì vậy, phương pháp Montessori tập trung cho trẻ phát triển giác quan ở thời điểm này bằng cách cho trẻ cầm nắm, thử nếm nhiều hơn. Nếu ở thời điểm này, đứa trẻ được cầm với nhiều hình dạng và tính chất khác nhau như xù xì, mềm mại, trơn nhẵn,… thì đứa trẻ sẽ phát triển đầy đủ hơn.

2-3 tuổi: Nhạy cảm về ngôn ngữ

Ở độ tuổi 2-3 tuổi, trẻ bắt đầu chuyển câu đơn thành câu dài. Cho nên, ở thời điểm này, ba mẹ nên cố gắng phát triển vốn danh từ. Ví dụ: Khi đưa trẻ 2 tuổi ra ngoài đường và gặp một cái cây, ba mẹ hãy chỉ cho trẻ đâu là rễ cây, gốc cây, thân cây, lá cây, cành cây và hoa, quả,… Hoặc ba mẹ có thể chỉ vào sự vật và nói tên của nó. Nhưng khi trẻ lớn hơn chút nữa, khoảng 2,5 đến 3 tuổi, thì ba mẹ hãy cố gắng ghép danh từ với động từ, tính từ. Lúc này, nếu gặp một cái cây thì ba mẹ nên nói thêm đây là cây có màu vàng, hoặc lá cây có màu xanh, hoa nở rực rỡ, mặt trời lên rực rỡ và chói sáng,… Như vậy đứa trẻ sẽ tiếp nhận nhanh và dễ dàng học theo. Làm được như vậy có nghĩa rằng ba mẹ đang chớp lấy thời điểm tối ưu để trẻ học về ngôn ngữ.

2-4 tuổi: Nhạy cảm về các sự vật xung quanh

2-4 tuổi là khi đứa trẻ nhạy cảm về các sự vật xung quanh, đứa trẻ rất hay liên tưởng về sự vật nào đó. Ví dụ: Chỉ với một lá cây, bé có thể liên tưởng tới một con sâu, ngồi trên khúc gỗ bé có thể tưởng tượng ngồi trên một con ngựa. Nên với giai đoạn nhạy cảm về đồ vật, ba mẹ nên hỏi con cảm thấy như nào và thấy đồ vật như thế nào? Và nói cho con quá trình để tạo ra đồ vật ấy. Ví dụ như làm cách nào mầm cây ra đời, đó là ba mẹ đang giải thích cho đứa trẻ hiểu về những gì chúng đang tưởng tưởng ở trong đầu. Đứa trẻ nào cũng tưởng tượng như vậy nên nếu không hỏi về nó thì dần dần trí tưởng tưởng ấy sẽ mất đi. Vì vậy hãy cố gắng hỏi về điều đó.

4-5 tuổi: Nhạy cảm về Toán học

Khi nghiên cứu, Montessori phát hiện ra rằng từ trong khoảng độ tuổi 4-5 tuổi, trẻ rất hứng thú với con số, thích chơi với con số. Vậy nên, thường các cô giáo Montessori sẽ dạy Toán cho trẻ lúc này. Không có gì ngạc nhiên nếu một đứa trẻ học theo Montessori có thể làm phép tính cộng, thậm chí phép tính nhân đến hàng nghìn trên bàn tính. Trong khi ở bậc Tiểu học thì trẻ chỉ được học trong phạm vi 100. Nếu ba mẹ không cho con theo học phương pháp Montessori cũng nên cố gắng tận dụng giai đoạn này để dạy con về Toán học.

5 – 6 tuổi: Nhạy cảm về chữ

5 tuổi trở lên thời điểm tối ưu để học chữ, trong phương pháp Montessori thì việc dạy chữ được thực hiện rất sớm. Trẻ được dạy học chữ từ khi dưới 1 tuổi, nhưng thời điểm tốt nhất là từ 5 tuổi. Trong một lớp học chuẩn Montessori sẽ có rất nhiều giáo cụ để dạy chữ cho trẻ. Hầu hết là các học liệu thông qua trực quan, phương tiện hay dùng nhất là chữ cát. Khi dạy học, giáo viên Montessori sẽ lấy cái khuôn ra cho trẻ thực hành và các con sẽ được rắc cát lên, và sau đó các con sẽ sờ để cảm nhận chữ. Đó là sự kết hợp giữa giác quan và tư duy trong não và đứa trẻ sẽ nhớ hình dạng ấy rất lâu. Sau đó, chữ ấy sẽ được treo lên. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh là nên trân trọng sản phẩm, thành quả của trẻ, dù nó không được đẹp. Nếu được ba mẹ trân trọng thành phẩm, thì bé sẽ có động lực để làm cho lần sau.

Trên 5 tuổi, ba mẹ nên dạy cho con chữ một cách chính thức, không phải chỉ để con biết đọc và biết viết sớm. Một đứa trẻ theo Montessori biết đọc và biết viết sớm là điều bình thường, nhưng nếu con không biết đọc và biết viết sớm thì ba mẹ cũng đừng nên lo lắng. Tuy nhiên, đứa trẻ phải hiểu được những khái niệm sau đây: biết đánh vần, không riêng những tiếng đơn giản mà còn cả tiếng khó như tiếng ông, quốc, gì … Và phải hiểu được khái niệm của tiếng theo cách đơn giản nhất. Ví dụ 1 câu có 3 tiếng thì dùng 3 tiếng vỗ tay để mô phỏng, điều đó tránh cho trẻ khi lên lớp 1 không phân biệt được tiếng và từ và viết các tiếng ấy gần nhau.

Khi con ngoài 5 tuổi cũng là khi ba mẹ nên dạy cho con khái niệm sơ bộ thế nào là một câu. Cách tốt nhất là thông qua đọc sách, ba mẹ có thể xây dựng cho con thói quen đọc sách vào thời điểm nhất định trong ngày. Khi đọc sách, không còn là những quyển sách con chọn tự do nữa mà là những quyển sách do ba mẹ ấn định. Có thể quy định những quyển sách đọc vào thứ 2 và thứ 6 trong tuần với những quyển sách con không có hứng thú. Đến độ tuổi này,  đừng để đọc sách giải trí mà hãy đọc sách để tương tác. Vậy Tương tác như thế nào? Ba mẹ cầm bìa sách lên và hỏi con về hình vẽ trên bìa sách đó, ý nghĩa là gì…

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho ba mẹ!