Lần đầu tiên tại Gateway, phụ huynh nhập vai chính con của mình để thấu hiểu những cảm xúc ẩn sau hành vi cư xử chưa đúng mực của trẻ.
Thấu hiểu tầm quan trọng của việc tạo dựng môi trường giáo dục nhân văn cho trẻ ngay tại nhà, trường Tiểu học – THCS Gateway cùng trường Mầm non Sakura Montessori tổ chức chuỗi hội thảo phi lợi nhuận về dạy con theo phương pháp Kỷ luật tích cực. Khóa học này cũng là hoạt động xuyên suốt do chính phụ huynh hai trường dẫn dắt và chia sẻ.
Trước đó, trong tháng 8/2018, hai điều phối của buổi hội thảo đầu tiên đã có thời gian tham gia khóa huấn luyện do chuyên gia quốc tế hàng đầu về Kỷ luật tích cực Steven Foster trực tiếp đứng lớp. Khóa học dành riêng cho phụ huynh và giáo viên của trường, với mong muốn cả hai bên cùng được trang bị kiến thức tốt nhất để đồng hành trong việc giáo dục con.
Ngay sau khi được đào tạo trở thành những huấn luyện viên, họ tiếp tục chia sẻ tới các phụ huynh khác. Bên cạnh đó, chuỗi hội thảo còn tạo nên một không gian chia sẻ thân thiện và cởi mở để phụ huynh nói lên nỗi lòng và cùng tháo gỡ những tình huống khó trong giáo dục con trẻ.
Trong hơn hai tháng liên tiếp, những người hướng dẫn đầu tiên đã tiếp tục luyện tập, trau dồi kiến thức với sự cố vấn từ Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hảo – Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên đưa Kỷ luật tích cực về Việt Nam để tối ưu giáo án và sẵn sàng hành trang lan tỏa điều này tới cộng đồng.
Bên cạnh đó, để chuẩn hóa nội dung truyền tải trong các khóa học, hệ thống giáo án đều được Viện nghiên cứu các phương pháp giáo dục Quốc tế RIEM hỗ trợ xây dựng theo đúng tinh thần của Kỷ luật tích cực.
Hội thảo Dạy con bằng Kỷ luật tích cực với chủ đề “Giải mã cảm xúc và chế ngự cơn tức giận” là sự khởi đầu của hành trình lan tỏa Kỷ luật tích cực đến với cộng đồng của nhà trường.
Không có chuyên gia, “Giải mã cảm xúc và chế ngự cơn tức giận” thuần là một buổi giao lưu giữa các ba mẹ với sự dẫn dắt của hai phụ huynh trường Tiểu học – THCS Gateway, thành viên của Hiệp hội Kỷ luật tích cực PDA Mỹ – anh Nguyễn Chiến Thắng và chị Lại Thị Hải Lý.
Từ chính kiến thức đã học và áp dụng thực tế trong gia đình, anh Chiến Thắng và chị Hải Lý đã khơi gợi những tiếng nói của các bậc phụ huynh thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm, nhập vai tình huống. Trên cơ sở đó, mỗi hoạt động của buổi hội thảo được thiết kế phù hợp với chủ đề “Giải mã cảm xúc và chế ngự cơn tức giận”, hướng tới sự gần gũi, thực tế và có tính ứng dụng cao.
Anh Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ: “Chúng tôi đến khóa học với tư cách là những người đồng hành lắng nghe và chia sẻ cùng phụ huynh chứ không phải chuyên gia hay nhà tâm lý. Tôi nghĩ rằng, khi mình mở lòng với mọi người, mọi người cũng sẽ mở lòng lại với mình. Sau hoạt động này, các thành viên trong nhóm sẽ tiếp tục triển khai các buổi hội thảo khác với nhiều khía cạnh phong phú của kỷ luật tích cực để ba mẹ hiểu rõ và có cái nhìn toàn diện hơn về phương pháp này”.
Cũng theo anh Chiến Thắng, một trong sức hút lớn nhất của hội thảo nằm ở các hoạt động trải nghiệm thực tiễn thông qua hình thức nhập vai “ba mẹ – con cái” trong những tình huống tức giận. Qua đó, phụ huynh đều ý thức được rằng ẩn sau mỗi hành động hay cư xử không tốt của trẻ là sự bùng nổ cảm xúc và những diễn biến tâm lý phức tạp mà cha mẹ cần nắm bắt và cảm thông. Điều này sẽ giúp những đứa trẻ học cách hợp tác linh hoạt mà không bị tổn thương tới lòng tự trọng và cùng vượt qua những thử thách hay tình huống nóng giận trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Diễm My, phụ huynh học sinh trường Mầm non Sakura Montessori cho biết: “Mỗi bé là một cá thể. Việc trao đổi giữa các phụ huynh sẽ giúp tôi tìm ra những mặt giống nhau và khác nhau để chia sẻ cách dạy con với các mẹ bởi nhiều mẹ thực tế đã trải nghiệm. Từ thực tế ấy, tôi nhận ra rằng Kỷ luật tích cực là một phương pháp giáo dục trẻ phù hợp và hiệu quả. Đứng trên cương vị của phụ huynh, tôi nghĩ bản thân mình đã có sự thay đổi nhận thức để có cách xử lý hợp lý và văn minh hơn trong việc giáo dục con cái”.
“Với hội thảo Dạy con bằng Kỷ luật tích cực, mỗi phụ huynh đều có thể trở thành chuyên gia hay diễn giả của chính mình trong hành trình tìm kiếm các phương pháp giáo dục toàn diện cho con”, chị Lại Thị Hải Lý nhận định.
Chị Hải Lý nói thêm, chúng ta sẽ nuôi dạy con tốt hơn khi bản thân cảm thấy tốt hơn. Trẻ cũng vậy, nếu chúng ta dập tắt được cơn tức giận, giải quyết tận gốc vấn đề thì những bước tiếp theo sẽ trở nên ngọt ngào. Đó chính là thông điệp mà hội thảo đầu tiên gửi gắm trong chuỗi 9 buổi Dạy con bằng Kỷ luật tích cực.
Trong thời gian tới, trường Tiểu học – THCS Gateway và Mầm non Sakura Montessori sẽ tiếp tục tổ chức nhiều khóa học tiếp theo xoay quanh các chủ để khác nhau của Kỷ luật tích cực như: Làm sao để chinh phục sự hợp tác của trẻ? Có nên trừng phạt để con ngoan hơn? Sức mạnh của sự khích lệ…
Theo Thế Đan (Vnexpress.net)