Trao cho con quyền quyết định, chuẩn bị không gian sẵn sàng cho sự tự lập của trẻ, dạy con tự lập từ các hoạt động liên quan tới sinh hoạt cá nhân, cho con tham gia làm việc nhà – Những “bí quyết vàng” trong dạy con tự lập đã được Hot Mom Phan Hồ Điệp chia sẻ chân thành trong Workshop Mon&Mom – “Phương pháp Montessori và em bé tự lập” được tổ chức tại Sakura Montessori Hà Đông vừa qua.
Cùng Sakura Montessori giáo dục trẻ tự lập với những nguyên tắc đặc biệt dưới đây nhé!
1. Trao cho con quyền quyết định
Trao quyền cho con là một trong những yếu tố quan trọng trong giáo dục trẻ tự lập. Điều này trùng khớp với phương pháp giáo dục Montessori khi luôn trao quyền quyết định cho trẻ. Trong các lớp học Montessori, người ta giao quyền quyết định cho trẻ mà không phải thuộc về giáo viên. Giáo viên Montessori hoàn toàn không can thiệp vào quá trình trẻ con tự tìm hiểu một hiện tượng, vấn đề nào đó. Các bạn nhỏ sẽ được tự do lựa chọn các lĩnh vực học tập, tự tìm hiểu và khám phá theo cách riêng cũng như thể hiện cá tính của bản thân mình.
Và ở nhà, ngay trong chính gia đình mình, trẻ cũng cần được trao quyền quyết định theo đúng tinh thần của phương pháp Montessori. Việc trao quyền con cho con sẽ thể hiện bạn đang tôn trọng trẻ, coi trẻ như một cá thể độc lập, có chính kiến, suy nghĩ và cách hành động riêng. Jane Nelsen – tác giả của bộ sách Kỷ luật tích cực từng cho rằng “Trẻ sẽ thực hiện tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn”. Và sự tôn trọng của ba mẹ chính là động lực để trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, chính trẻ sẽ được bồi dưỡng và phát huy tính độc lập, sự tự tin, chủ động sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với thử thách trong tương lai.
Nếu người lớn đứng ở góc quy chiếu từ trên cao xuống để xem đứa trẻ cần gì và cung cấp cho chúng bằng những mệnh lệnh, yêu cầu, bắt ép trẻ phải làm theo ý mình, trẻ sẽ trở nên thụ động, bị giới hạn về phát triển về kỹ năng,…
2. Chuẩn bị môi trường sẵn sàng cho trẻ tự lập
Thế nào là một môi trường được chuẩn bị sẵn sàng cho sự tự lập của trẻ? Đối với giáo dục trẻ tự lập theo Montessori, người lớn xây dựng cho trẻ một môi trường sẵn sàng, đáp ứng các tiêu chí AN TOÀN, TRẬT TỰ và NGĂN NẮP.
Toàn bộ các ổ điện phải có nắp bảo vệ, vật dụng sắc nhọn phải để cao hơn so với tầm với của trẻ. Những đồ vật nóng, có thể gây bỏng nên để xa trẻ. Người lớn nên sử dụng các ký hiệu màu sắc làm biển báo biểu thị cho sự nguy hiểm để chỉ dẫn cho con. Đây là một đặc điểm của phương pháp giáo dục Montessori. Quý phụ huynh có thể dùng ký hiệu dấu gạch chéo màu đỏ và giải thích về ý nghĩa của ký hiệu này cho trẻ. Sự nhạy cảm về trí tuệ của trẻ trong những năm đầu đời sẽ giúp các con ghi nhớ và hình thành thói quen cảnh giác trước những thiết bị nguy hiểm.
Một lời khuyên dành cho ba mẹ khi xây dựng môi trường cho bé đó là sắp xếp không gian theo góc. Theo đó, bạn nên tạo các góc quan trọng như góc thiên nhiên với nhiều cỏ cây hoa lá, giúp trẻ hòa nhập với thiên nhiên, khơi gợi hứng thú tìm hiểu và khám phá thế giới tự nhiên; góc nghệ thuật mang đến cho trẻ cơ hội tự do sáng tạo với hội họa; góc chơi ngăn nắp là không gian để trẻ vui chơi thỏa sức theo ý thích,… Tại các góc này, ba mẹ có thể dạy trẻ về nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Cũng từ việc chơi, người lớn hãy dạy cho con về sự tôn trường môi trường và những thành viên trong gia đình, tính kỷ luật khi chơi. Chúng ta phải ngăn nắp để không gian đẹp mắt và tươi đẹp hơn.
3. Dạy con tự lập từ các hoạt động liên quan tới sinh hoạt cá nhân
Khi đã chuẩn bị môi trường sẵn sàng cho sự tự lập của trẻ, hãy bắt đầu dạy những công việc liên quan tới đời sống sinh hoạt cá nhân. Dạy trẻ tự lập từ nhà vệ sinh là một ý tưởng không tồi. Các đồ dùng của con nên được để riêng và có ký hiệu nhận biết riêng để các con cảm thấy mình được tôn trọng như một người lớn và đánh thức ý thức thực hiện những hoạt động cá nhân ở trẻ một cách tự nhiên nhất. Bằng việc hướng dẫn con cách sử dụng theo từng bước nhỏ, chuẩn bị không gian gần gũi, sẵn sàng với việc đặt các thiết bị vừa tầm với trẻ, trẻ sẽ hình thành thói quen tự giác vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo,…
4. Dạy con làm việc nhà
Ở độ tuổi từ 3 đến 6, những đứa trẻ luôn tò mò và hứng thú với mọi việc diễn ra xung quanh mình. Do đó, để khuyến khích sự tự lập của trẻ, người lớn hãy trao cho trẻ cơ hội được tham gia xây dựng môi trường sống, trước hết là trong chính gia đình mình. Trễ hoàn toàn có thể hỗ trợ ba mẹ làm công việc nhà nếu ba mẹ khích lệ và chỉ dẫn cho trẻ.
Một số công việc trẻ nên được tham gia như lau bàn, lau ghế, quét nhà, rửa rau-củ-quả, gấp khăn ăn, dọn bàn ăn,… Việc để con cùng tham gia làm việc nhà là một trong những cách giáo dục trẻ những thói quen tốt trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng như hình thành tính cách tự lập cho trẻ ngay trong năm tháng đầu đời.
Ví dụ: Ngoài hai tuổi, các bé có thể thực hiện được việc để bát vào bồn. Ba mẹ hãy làm mẫu cho trẻ một vài lần, vừa làm vừa nói các chỉ dẫn cho con. Lên 3 tuổi, trẻ thực hiện được việc trải khăn trải bàn và xếp đồ ăn. Để tạo hứng thú làm việc cho trẻ, người lớn có thể biến công việc này thành trò chơi. Chúng ta sử dụng bìa cát tông đặt trên bàn ăn. Trên mặt bìa, bạn hãy vẽ những hình bát, thìa, dĩa,… với những màu sắc sinh động và bắt mắt. Và nhiệm vụ của các bạn nhỏ chính là xếp các vật dụng trùng khít với hình ảnh giống như chơi trò xếp hình. Cách làm này sẽ khiến bé vui vẻ và hào hứng hơn, giúp các con hiểu được cách xếp đồ ăn ra bàn một cách chỉn chu và khoa học nhất.
Chắc chắn rằng, với những cách dạy con tự lập nêu trên, các em bé của bạn sẽ trở nên nhạy bén hơn, phát triển toàn diện hơn cùng đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống độc lập, tự chủ sau này.