“3 đến 5 tuổi là giai đoạn nhạy cảm đặc biệt của trẻ về đọc, viết. Trẻ có thể phát triển song song hai khả năng quan trọng đọc, viết để chuẩn bị nền tảng sẵn sàng bước vào lớp 1 nếu được người lớn giáo dục và trang bị kỹ năng đúng cách ” – Hot Mom Phan Hồ Điệp chia sẻ.
Việc dạy con các kỹ năng đọc, viết trước tuổi đi học vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. Nhưng không phải ba mẹ nào cũng thấu hiểu và biết cách giáo dục kỹ năng đọc, viết cho trẻ. Dưới đây là một số nguyên tắc dạy trẻ đọc, viết từ Hot Mom Phan Hồ Điệp. Đây cũng chính là những trải lòng của Hot Mom trong buổi Workshop Mon&Mom được tổ chức tại Thái Bình vừa qua.
- Hot Mom Phan Hồ Điệp bật mí một số trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ tại nhà
- Dạy con tự lập cùng Hot Mom Phan Hồ Điệp với 4 nguyên tắc cơ bản
- Hot Mom Phan Hồ Điệp chỉ ra 5 giai đoạn tối ưu giúp trẻ học tốt
1. Dạy trẻ đọc chữ cái kèm theo hình ảnh minh họa sinh động
Có thể ba mẹ không tin nhưng quá trình dạy đọc cho con trẻ được bắt đầu từ khi trẻ còn ẵm ngửa. Ngay tại thời điểm này, trẻ đã biết cách lắng nghe và tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên. Bạn có thể kích thích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bằng cách nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe một cách rõ ràng và truyền cảm, cho trẻ xem các tranh ảnh minh họa. Việc này không chỉ thắt chặt tình cảm giữa bố mẹ và con cái mà còn giúp xây dựng nền tảng ngôn ngữ của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.
Đọc cho trẻ nghe bao nhiêu hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của người lớn. Ở giai đoạn trẻ phát triển nở rộ về ngôn ngữ từ 3 đến 6 tuổi, ba mẹ hãy dành ít nhất 20 phút mỗi ngày để đọc sách cùng trẻ. Vừa đọc vừa khơi gợi khả năng đọc thành tiếng của trẻ, kết hợp với rê tay vào từng chữ là một cách để giúp các con làm quen với cách phát âm từ ngữ.
Theo Hot Mom Phan Hồ Điệp, từ 3 đến 5 tuổi, ba mẹ có thể bắt đầu cho trẻ làm quen với bảng chữ cái. Chúng ta nên sử dụng bảng chữ cái to và treo ở khu vực trẻ có thể nhìn thấy hoặc ngay trong chính góc học tập của trẻ. Quá trình dạy đọc cho trẻ bắt đầu bằng việc dạy trẻ đọc theo tên âm, không đọc theo tên chữ. Ví dụ: Chữ A, chữ B, chữ C, chữ D, chữ Đ… sẽ không đọc là “a, bê, sê, đê” mà phải đọc là “a, bờ, cờ, dờ, đờ,…” Người lớn cần chú ý đọc đúng ngay từ đầu để trẻ hình thành cách phát âm đúng chuẩn, không bị lẫn lộn giữa tên âm và tên chữ.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, trẻ dẫn dễ bị thu hút bởi những hình ảnh sinh động và thú vị. Do đó, người lớn có thể sử dụng các hình ảnh đi kèm để dạy trẻ đọc chữ cái và ghi nhớ các hiện tượng, sự vật, hình ảnh liên quan. Ví dụ: Bạn có thể sử dụng thẻ chữ “a” và hình con “cá”, chữ “g” và hình con “gà”, chữ “ơ” và hình quả mơ, chữ “ê” và hình “quả khế”,… Những hình ảnh màu sắc sẽ gây hứng thú cho trẻ trong việc họ đọc, đồng thời cũng giúp trẻ ghi nhớ các chữ cái sâu sắc hơn. Sau một quá trình học, ba mẹ có thể tổ chức các trò chơi liên quan tới đọc chữ. Trong đó, người lớn sẽ chỉ vào thẻ hình ảnh và bé sẽ đọc chữ cái có liên quan hoặc ngược lại.
Từ 5 tuổi, ba mẹ có thể dạy bé đọc và ghi nhớ chữ cái bằng cách phân tích thành phần tạo nên tiếng kết hợp sử dụng thẻ chữ cái. Ví dụ, khi dạy tiếng “học”, ba mẹ có thể nói “Mẹ có tiếng “học”. Tiếng “học” có 3 chữ cái, đó là chữ “hờ”, chữ “o” và chữ cờ”. Cách phân tích rõ từng tiếng sẽ giúp trẻ vừa nhớ cách phát âm vừa nhớ mặt chữ, tạo nền tảng học viết sau này.
2. Dạy trẻ làm quen với chữ cái viết thường trước
Thời điểm thích hợp nhất để dạy trẻ viết chữ vào khoảng 3,5 đến 5 tuổi. Quá trình dạy viết diễn ra song song với quá trình dạy đọc và được bắt đầu bằng việc dạy trẻ làm quen với chữ cái viết thường trước. Bởi theo thống kê, chữ hoa chỉ chiếm 5% trong các văn bản, sách báo hay truyện đọc. Vì vậy, việc dạy trẻ làm quen với chữ cái viết thường trước vô cùng quan trọng.
Cách thức dạy trẻ chữ viết thường đơn giản nhất đó là sử dụng các thẻ chữ viết thường đi kèm hình ảnh. Đây chính là những học cụ hữu ích, giúp ba mẹ dạy trẻ từng chữ và rèn khả năng ghi nhớ hình ảnh chữ cái, hiện tượng, sự vật,…
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần chú ý dạy nguyên đơn gồm trước khi dạy phụ âm theo sự tuần tự, từng chữ một. Tuyệt đối không nên dạy ồ ạt một loạt các chữ mà cần bình tĩnh theo một tiến trình phù hợp với nhịp độ phát triển tự nhiên của trẻ để các con có thời gian thẩm thấu và ghi nhớ mặt chữ sâu sắc hơn. Chỉ khi ghi nhớ mặt chữ tốt, các con mới có thể hình thành cách viết đúng chính tả.
3. Trang bị các kỹ năng viết chữ trước tuổi đi học
Từ 3 tuổi trở lên, trẻ nhạy cảm đặc biệt với việc viết. Trẻ viết những điều trong tiềm thức chúng, không theo một quy chuẩn và khuôn khổ nào. Nhưng chính sự tự do trong thể hiện các con chữ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và được bày tỏ những điều mình mong muốn. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, để chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ bước vào lớp 1, người lớn nên dạy trẻ kỹ năng viết chữ theo những quy chuẩn về cách viết tiếng Việt. Việc làm quen với kỹ năng viết chữ giúp kỹ năng vận động của trẻ phát triển mạnh mẽ hơn, trí não phát triển nở rộ, tăng khả năng ghi nhớ và xây dựng nền tảng học viết thành thạo khi vào lớp 1.
Quá trình dạy viết có thể diễn ra song song với quá trình dạy đọc để kích thích sự phát triển đồng đều hai kỹ năng này. Hãy luôn khuyến khích trẻ vừa đọc chữ vừa viết chữ cái đó ra. Hoặc ba mẹ cũng có thể liên hệ chữ với hình ảnh để trẻ dễ hình dung hình dáng của các chữ cái. Ví dụ: Khi dạy con viết chữ O, bạn có thể giới thiệu về hình dáng ông mặt trời. Chữ Ô giống như hình dáng ông mặt trời đội chiếc mũ trên đầu và chữ Ơ là hình ảnh ông mặt trời có thêm râu… Với sự liên tưởng hình ảnh, trẻ sẽ cảm thấy thích thú và yêu thích việc thể hiện các chữ cái trên giấy. Chính những hình ảnh thú vị sẽ khơi gợi trí tò mò, óc sáng tạo trong mỗi trẻ.
Hãy chuẩn bị cho trẻ một góc học tập mời gọi với những cuốn sách, cuốn vở, hình ảnh trang trí sinh động và đẹp mắt. Người lớn cần dạy bé cách cầm bút và tư thế ngồi viết một cách khoa học và bàn bản nhé. Bạn hãy dạy cho bé cách cầm bút bằng 3 ngón: ngón cái, ngón giữa và ngón trỏ. Trong đó, ngón cái và ngón trỏ giữ chặt hai bên thân bút, ngón giữa để ở dưới để đỡ bút. Về tư thế ngồi viết, hãy chỉ cho trẻ biết cách ngồi thẳng lưng, không chạm ngực vào bàn, vòng tay rộng mở thoải mái,… Trước khi viết, trẻ cần đặt vở chếch 15 độ so với chỗ ngồi và gọt sẵn bút chì. Ba mẹ cần nói cho trẻ hiểu việc chuẩn bị bút chì, vở,… là yếu tố quan trọng trong học tập, giúp trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng, bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ của bản thân. Chính những hướng dẫn giản đơn này sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng ngồi viết đúng cách, rèn luyện tính chủ động, tự lập và kỷ luật ngay từ khi còn bé.
Ở thời điểm này, ba mẹ không nên tạo áp lực bắt trẻ phải viết nhiều, viết đẹp mà hãy để trẻ tự do tập tô theo các nét chữ. Các con hoàn toàn được phép tô chờm ra ngoài và sẽ tự sửa sai ở những chữ tiếp theo.
Hi vọng những thông tin trên hữu ích cho ba mẹ.