Nhà tâm lý học người Áo – Rudolf Dreikurs cho rằng: “Trẻ cần sự khích lệ, như cây non cần nước. Trẻ không thể phát triển và tồn tại nếu thiếu đi sự khích lệ từ người lớn”. Bởi vậy, Rudolf Dreikurs cũng nhấn mạnh việc khích lệ và giúp trẻ cảm thấy được khích lệ là một trong những kỹ năng hiệu quả nhất mà người lớn có thể học để giúp đỡ trẻ. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách khích lệ trẻ hiệu quả theo tinh thần kỷ luật tích cực để trẻ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương.

Trong Seminar Dạy con bằng Kỷ luật Tích cực với chủ đề “Khích lệ – Động lực giúp con trưởng thành” được tổ chức tại Trường Mầm non Sakura Montessori vừa qua, các phụ huynh của trường – thành viên Hiệp hội Kỷ luật Tích cực đã có những chia sẻ về 4 nguyên tắc để khích lệ trẻ đúng cách. Nếu tuân thủ các nguyên tắc này, khích lệ sẽ thực sự là động lực giúp trẻ trưởng thành trong hạnh phúc.

Thể hiện sự hiểu biết, thông cảm và chấp nhận trẻ

Việc khích lệ trẻ vốn là một việc không dễ dàng bởi người lớn thường dễ sa vào phản ứng với hành vi chưa đúng mực của trẻ theo một cách tiêu cực. Thay vì bình tĩnh tìm hiểu những hành động của trẻ, người lớn thường hành động để giải quyết thông điệp đằng sau hành vi không đúng mực khác. Sự mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến tình trạng bố mẹ nổi cáu, nghiêm khắc, thậm chí quát mắng và trừng phạt con khi con làm chưa tốt, làm sai. Tuy nhiên, đó không phải là cách chúng ta nên làm.

Jane Nelsen cho hay: “Chúng ta có lẽ sẽ không “ăn thịt” đàn con của mình nhưng chắc chắn sẽ gặm nhấm từng chút từng chút một cảm giác gắn bó và sự tin tưởng của trẻ khi chúng ta giận dữ và phản ứng với trẻ”. Cho nên, thay vì bày tỏ thái độ không hài lòng, nghiêm khắc với lỗi sai của trẻ hay giận dữ, bố mẹ hãy bình tĩnh, thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận hành động thiếu lý trí của trẻ. Khi bạn cư xử như vậy, trẻ sẽ cảm thấy bản thân được lắng nghe cảm xúc, tôn trọng và yêu thương.

Trò chuyện, lắng nghe con là cách để bố mẹ thể hiện sự hiểu biết, thông cảm và chấp nhận trẻ

Và sự khích lệ theo kỷ luật tích cực được xây dựng dựa trên nền tảng sự thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận trẻ. Bố mẹ cần chấp nhận những lỗi sai của trẻ, thấu hiểu cảm xúc của trẻ để mang đến cho trẻ sự khích lệ một cách hiệu quả nhất.

Tập trung vào các điểm mạnh của trẻ

“Tập trung vào các điểm mạnh của trẻ” là một trong những nguyên tắc khích lệ trẻ theo tinh thần kỷ luật tích cực. Trên thực tế, ưu điểm chiếm tới 85% và khuyết điểm chỉ chiếm 15% trong mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, người lớn lại thường có xu hướng tập trung 85% thời gian và năng lượng của mình để nhìn vào các khuyết điểm của con trẻ. Điều này khiến cho những khuyết điểm lớn dần lên, ưu điểm sẽ biến mất. Chính điều này làm chúng ta không thể nào đưa ra những lời khích lệ mà chỉ chỉ trích, tổn thương trẻ một cách vô tình.

Nhưng nếu bố mẹ tập trung vào các điểm mạnh của trẻ bằng 85% thời gian và năng lượng của bản thân, những ưu điểm dễ dàng đạt được 100%. Chúng ta nên ghi nhận và khuyến khích những ưu điểm của trẻ bằng sự động viên, khích lệ. Và mỗi đứa trẻ sẽ cảm thấy bản thân có giá trị, được tôn trọng và nhìn nhận tích cực dù thất bại hay sai lầm khi bố mẹ khích lệ chúng.

Tìm các điểm tích cực, nhìn nhận tình huống theo các cách khác nhau

Nếu muốn khích lệ con theo phương pháp kỷ luật tích cực, bố mẹ cần tìm các điểm tích cực ở trẻ. Ngay cả khi trẻ làm sai hoặc thậm chí trẻ cư xử chưa đúng mực, bố mẹ phải nhìn vào 85% ưu điểm ở trẻ để động viên thật lòng. Như vậy, lời khích lệ trẻ theo kỷ luật tích cực mới thể hiện đúng sự thấu hiểu và cái nhìn khách quan của bạn đối với hành vi của trẻ.

Bên cạnh đó, mỗi tình huống diễn ra đều luôn tồn tại những nguyên nhân ẩn sâu nó. Điều bố mẹ cần làm là đi tìm những lý do để lý giải cho mọi hành động của trẻ. Khi bạn thực sự hiểu và có cái nhìn tích cực đối với trẻ, chính bạn mới mang đến cho trẻ động lực để cố gắng và nỗ lực trong từng công việc.

Tập trung vào điểm cố gắng, tiến bộ của trẻ

Jane Nelsen – tác giả bộ sách Kỷ luật Tích cực cho rằng: “Sự tiến bộ chứ không phải sự hoàn hảo. Hoàn hảo là một kỳ vọng thiếu thực tế, gây tâm lý chán nản, mệt mỏi cho những ai cảm thấy mình phải sống với mục tiêu đó. Trẻ sẽ không buồn cố gắng để phải trải nghiệm sự nản chí liên tục bởi trẻ không đáp ứng được kỳ vọng của người lớn hoặc của chính bản thân trẻ về sự hoàn hảo.”

Cho nên, việc ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng của trẻ là hành động rất khích lệ và truyền cảm hứng để trẻ tiếp tục nỗ lực thay đổi. Chỉ cần mang đến cho trẻ sự khích lệ, trẻ sẽ tỏa sáng theo đúng tiềm năng sẵn có của chính mình. Không những vậy, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn, chủ động, tự lập, linh hoạt hơn,… nếu được khơi gợi cảm xúc nhận được sự khích lệ từ người lớn.

Rõ ràng, chúng ta tuyệt đối không nên phủ nhận những tiến bộ của trẻ bằng những câu nói vô tâm, làm trẻ cảm thấy xấu hổ và chùn bước.

Ví dụ như: Khi trẻ khoe với phụ huynh chúng đã giải được một bài toán khó ở trường, thay vì nói “Bài này dễ ợt. Bằng tuổi con, bố mẹ đã giải đúng từ lần đầu tiên rồi!”, bố mẹ hãy khích lệ trẻ bằng một cái ôm kèm theo câu nói “Con làm tốt lắm!”hay “Con có cảm thấy vui với những gì mình đã đạt được không?”. Hay khi trẻ dành tặng bạn điểm 9 trong kỳ thi học sinh giỏi Toán, thay vì nói “Điểm 9 chưa là gì cả. Điểm 10 mới là tuyệt vời nhất!”, hãy nói “Điểm 9 này chứng tỏ con đã rất nỗ lực”.

Tác giả Jane Nelsen cũng cho biết “Trẻ thực hiện tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn. Và chúng ta sẽ nuôi dạy con tốt hơn khi chúng ta cảm thấy tốt hơn”. Vì vậy, với 4 nguyên tắc khích lệ dựa trên tinh thần kỷ luật tích cực, bản thân trẻ và chính bố mẹ sẽ đều có những cảm xúc tích cực.

Sự khích lệ trong kỷ luật tích cực bằng thái độ tôn trọng, quan tâm chân thành đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của trẻ sẽ mang đến cho các con cơ hội phát triển toàn diện. Qua đó, trẻ tự tin thể hiện cá tính của mình, trau dồi kỹ năng và không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến tiêu cực của người khác.

Nội dung cùng chủ đề: