La hét, quát mắng, đánh đập không làm trẻ vâng lời như người lớn thường nghĩ. Ngược lại, điều đó khiến trẻ lo âu, sợ hãi, cảm thấy mất an toàn, là nguyên nhân “giết chết” sự sáng tạo khiến trí thông minh thuyên giảm… Vậy làm sao để trẻ vâng lời trong hạnh phúc và xuất phát từ sự tự nguyện?
- Bài 1: Montessori và ba cấp độ của sự vâng lời
- Bài 2: Làm sao để có được đức tính “vâng lời” nơi trẻ theo phương pháp Montessori?
Theo Cô Hoàng Tuyên – Thành viên của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Hệ thống Trường Mầm non IKIDS Montessori và Sakura Montessori: Để trẻ vâng lời, có tính kỷ luật, có ý chí và biết cách hợp tác linh hoạt mà không bị tổn thương đến lòng tự trọng, người lớn cần phải hiểu các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ để đạt tới hình thái vâng lời theo các cấp độ mong muốn.
Theo đó, sự vâng lời của trẻ được hình thành theo 3 cấp độ cơ bản, ứng với các giai đoạn phát triển tâm lý của mỗi trẻ gồm: Cấp độ 1: Trẻ chưa ý thức được sự vâng lời (trước 3 tuổi); Cấp 2: Trẻ biết lựa chọn và làm theo (vâng lời theo) ; Cấp độ 3: Trẻ vâng lời trong Hạnh phúc
Làm sao để đạt được sự vâng lời nơi trẻ theo phương pháp giáo dục Montesssori?
Theo quan điểm của Tiến sĩ Maria Montessori, cách tốt nhất khiến trẻ vâng lời người lớn trong sự vui vẻ và tôn trọng chính là cho trẻ tập đưa ra quyết định. Việc trao quyền tự quyết định cho trẻ khiến các con cảm thấy bản thân luôn nhận được sự tin tưởng của mọi người. Ba mẹ đã và đang coi trẻ là một cá thể độc lập, có chính kiến và có tư duy.
Cô Hoàng Tuyên cho biết: “Khi trẻ hình thành ý chí (chính là một phần trí tuệ) ở giai đoạn 3-6 tuổi, việc ép cho trẻ ngoan, vâng lời chính là hành động tự bẻ gãy ý chí của trẻ, trẻ sẽ lớn lên như một cỗ xe ngựa không có người cầm cương, cuộc sống sẽ thiếu đi chí hướng, trôi dạt theo người
Vậy làm thế nào để trẻ vâng lời trong hạnh phúc mà ba mẹ không bị áp lực? Ba mẹ có thể tham khảo cách giáo viên Montessori tại IKIDS Montessori và Sakura Montessori định hướng để trẻ vâng lời, có tính kỷ luật, có ý chí và biết cách hợp tác linh hoạt mà không bị tổn thương đến lòng tự trọng.
Thiết lập các nguyên tắc kỷ luật với sự đồng thuận của
Trong môi trường Montessori, giáo viên và trẻ sẽ cùng thiết lập các nguyên tắc kỷ luật dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tuân theo các điều đã đặt ra và chịu trách nhiệm trước những sự lựa chọn đi ngược lại tính kỷ luật.
Tại IKIDS Montessori và Sakura Montessori, trẻ có quyền tự do lựa chọn các hoạt động học tập, vui chơi để thỏa mãn nhu cầu, sở thích và các mối quan hệ của bản thân. Tuy nhiên, trẻ cũng phải thực hiện một số nguyên tắc do giáo viên cùng trẻ thiết lập như: chờ tới lượt mình; sau khi chơi xong phải tự thu dọn, đặt giáo cụ về vị trí ban đầu; không dẫm lên thảm của bạn khác; nói nhỏ, không làm phiền chu trình làm việc của bạn…
Quan sát, hỗ trợ, giám sát trẻ trong quá trình thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên Montessori. Giáo viên IKIDS Montessori và Sakura Montessori thực sự lùi lại, quan sát trẻ để đưa ra các chỉ dẫn, hỗ trợ trẻ trong từng giai đoạn phát triển và cấp độ của sự vâng lời.
Cô Hoàng Tuyên cho biết: “Ở cấp độ đầu tiên của sự vâng lời, giáo viên hỗ trợ bằng cách: Khuyến khích trẻ tự thực hiện các công việc tự phục vụ như: đi ngủ, vệ sinh, ăn uống, bê ghế, bê khay hay những hoạt động rèn kỹ năng cho trẻ ở lĩnh vực thực hành cuộc sống.
Ở cấp độ thứ hai, khi trẻ có thể vâng lời theo ý chí của mình hoặc muốn làm hài lòng người khác hoặc không vâng lời vì không muốn tự thực hiện những công việc quen thuộc mà mình đã làm tốt, giáo viên thể hiện sự kiên nhẫn, không thúc giục hay cáu giận với trẻ; động viên, khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện công việc của mình bằng lời nói như: Cô tin rằng con có thể làm được; Con hãy thử lại xem…
Còn ở cấp độ ba của sự vâng lời, giáo viên sẽ tạo điều kiện để trẻ thực hiện các nhiệm vụ, công việc của mình, quan sát trẻ và hỗ trợ trẻ chỉ khi trẻ đã cố gắng hết sức mà chưa thành công.”
“Lắng nghe tích cực” và “Lời nói thể hiện cảm nhận bản thân”
Đây chính là hai công cụ quan trọng giúp giáo viên Montessori nói riêng và người lớn khiến trẻ vâng lời trong hạnh phúc theo phương pháp Montessori.
Trong đó, “lắng nghe tích cực” thể hiện sự tập trung, tiếp nhận, xử lý thông tin và có phản hồi lại của giáo viên đối với câu hỏi hay nỗi băn khoăn của trẻ. Còn “lời nói thể hiện cảm nhận của bản thân” chính là những cảm nhận riêng của giáo viên về những hành động của trẻ đang gây ảnh hưởng đến người khác nhằm giúp trẻ nhìn nhận vấn đề của mình để cư xử đúng mực hơn.
Khi trẻ cư xử không đúng mực, thiếu hợp tác, không vâng lời… giáo viên Montessori thường sử dụng bộ công cụ này để “chế ngự cơn thịnh nộ trẻ”. Thay vì la hét, nổi nóng với trẻ, giáo viên bình tĩnh, chấp nhận cảm xúc của trẻ ở thời điểm đó rồi trấn tĩnh trẻ bằng hành động vỗ về, nắm tay trẻ, mời trẻ ngồi xuống. Giáo viên giúp các con gọi tên cảm xúc của mình và thể hiện sự đồng cảm bằng câu nói như:
“Khi… Cô thấy con đang khá bực bội, tức giận…”
“Khi con…Cô cảm thấy lo lắng rằng con sẽ bị đau/mệt/…”
Sau đó, sử dụng kỹ năng lắng nghe tích cực để trẻ tự chia sẻ về cảm xúc cũng như vấn đề của mình là vì sao trẻ lại không muốn nghe theo, hợp tác hay có những hành vi như vậy:
“Con hãy chia sẻ cho cô nghe về những mong muốn của con nhé!…”
Và cuối cùng, người giáo viên Montessori sẽ cùng trẻ thảo luận để hỗ trợ con đưa ra giải pháp tích cực nhất cho vấn đề:
“Vậy là con đang muốn…”, “Bây giờ mình cùng tìm ra giải pháp nhé!”, “Con thử nghĩ xem khi con không muốn làm điều này thì mình sẽ nên làm gì thay vì tỏ ra tức giận như thế?”…
Molly Brunk, ĐH Virginia từng chia sẻ: “Cách trẻ em phản ứng lại giống như khi bạn nặn đất sét trên bàn xoay. Bạn tác động lực chiều nào, lớn nhỏ bao nhiêu thì đồ gốm làm ra sẽ tròn, méo như thế”. Cho nên, hãy là những ba mẹ thông thái theo phương pháp Montessori để có thể tác động những động lực tích cực đến trẻ, khiến con cảm thấy luôn được tôn trọng, thấu hiểu và sẻ chia. Từ đó, các con sẽ thấu hiểu giá trị của sự vâng lời và vâng lời trong hạnh phúc.