La mắng, trách phạt hay lấy phần thưởng để “dụ dỗ” không phải là cách các giáo viên Montessori Quốc tế tại Ikids Montessori khuyên ba mẹ thực hiện. Thay vì thưởng, phạt để giáo dục trẻ trong giai đoạn đầu đời; sự động viên, khích lệ và sử dụng kỷ luật tích cực lại thể hiện sự hiệu quả vượt trội trong việc giáo dục con cái.
- Bốn nguyên tắc khích lệ trẻ theo kỷ luật tích cực giúp con trưởng thành
- Bài 1: Montessori và ba cấp độ của sự vâng lời
- Bài 2: Làm sao để có được đức tính “vâng lời” nơi trẻ theo phương pháp Montessori?
Cơ hội để trẻ học ngàn điều hay
Theo cô Đoàn Hường – giáo viên Montessori Quốc tế, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori và Ikids Montessori, việc thưởng, phạt trẻ có thể làm trẻ ngay lập tức thay đổi hành vi của mình ngay tại thời điểm đó nhưng cách làm này lại ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý và tính cách của trẻ.
Thực tế đã chứng minh, khi trẻ quen với việc nhận phần thưởng khi hoàn thành điều gì đó, chúng sẽ muốn nhiều hơn thế hoặc bị phụ thuộc vào phần thưởng, điều này dẫn đến thụ động và thiếu tự lập. Ngoài ra, khi trẻ quen với việc bị phạt, con sẽ có cảm giác xấu hổ hoặc tức giận dẫn đến rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin hoặc xuất hiện trạng thái chống đối. Thậm chí, nhiều trẻ khi lớn lên trở thành những con người cục cằn và cũng thích áp dụng hình phạt đối với người khác giống như khi còn nhỏ trẻ đã phải chịu đựng…
Ngược lại, nếu người lớn ghi nhận quá trình hoàn thành của trẻ, khích lệ trẻ bằng những lời nói như “Con đã rất cố gắng hoàn thành bức tranh này/ Cô nhìn thấy rất nhiều màu xanh được sử dụng trong bức tranh này…” thay vì lời khen “Con vẽ đẹp quá!”. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và sẽ không phụ thuộc vào phần thưởng nếu người lớn ghi nhận. Việc này cũng sẽ góp phần rèn luyện tính độc lập, sự tự tin, quyết đoán trong hành động và tinh thần trách nhiệm của trẻ đối với công việc, vấn đề trong cuộc sống.
“Trẻ cũng sẽ dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình hơn, sẵn sàng điều chỉnh hành vi nếu thay vì trách phạt, người lớn chịu tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe con chia sẻ, định hướng trẻ cách giải quyết vấn đề, chịu trách nhiệm với việc mình làm và không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.” – Cô Hường chia sẻ.
Thay vì thưởng, phạt, ba mẹ nên ứng xử như thế nào?
Cô Hoàng Tuyên – giáo viên Montessori Quốc tế, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori và Ikids Montessori cho biết: “Chúng tôi tin rằng mỗi trẻ đều đang ở trong hành trình phát triển kỷ luật tự giác và các phần thưởng cần được xuất phát từ bên trong (tự nhận thức) hơn là từ những ngoại lực tác động. Cho nên, hình thức “khích lệ, động viên” và “kỷ luật tích cực” theo phương pháp Montessori nên được áp dụng tại gia đình với trẻ để mang lại những kết quả tích cực trên trẻ.”
Ba mẹ có thể tham khảo một số “tip” trong việc khích lệ, động viên và vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực mà giáo viên Montessori tại Ikids Montessori áp dụng với trẻ mỗi ngày dưới đây.
Khuyến khích ý chí nội tại và tập trung vào quá trình nỗ lực hơn là kết quả cuối cùng
Theo đó, các giáo viên Montessori tại Ikids Montessori luôn quan sát quá trình trẻ thực hiện để có thể có những lời khích lệ, động viên cụ thể, phù hợp; nhìn nhận cảm xúc của trẻ, mời gọi trẻ nói lên những điều trẻ làm được và sử dụng lời khen ngợi mô tả tập trung vào công việc mà trẻ hoàn thành.
“Giáo viên Montessori không khen bằng những câu nói như “Con giỏi lắm” mà khích lệ, động viên trẻ.
Điều đó không có nghĩa giáo viên Montessori không trao cho trẻ ngôn ngữ tích cực mà ngôn ngữ của chúng tôi dành khen trẻ là khác nhau. Chúng tôi cố gắng sử dụng các cụm từ khuyến khích ý chí nội tại của trẻ và tập trung vào quá trình nỗ lực hơn là kết quả cuối cùng.” – Cô Tuyên cho biết.
Ví dụ: Khi trẻ vẽ xong một bức tranh đẹp và mang tới khoe ba mẹ, hãy lên tiếng trước, gợi mở sự chia sẻ của trẻ bằng lời nói hào hứng “Con có muốn giới thiệu với ba mẹ về bức tranh này không?”; nhìn nhận cảm xúc của trẻ “Ba mẹ thấy con đang rất tự hào về những gì mình vừa làm” và khen ngợi mô tả tập trung “Ba mẹ thấy con đã rất cố gắng để vẽ xong bức tranh này.”
Cách làm này vừa khiến con tự hào về những thành quả mình tạo nên, cảm nhận được sự ghi nhận, đồng cảm, sẻ chia của ba mẹ vừa thôi thúc động lực cố gắng hơn nữa trong con.
Nhìn nhận lỗi sai như cơ hội để trẻ học hỏi
Với góc nhìn này, ba mẹ có thể áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực ngay từ những lời nói, thái độ và hành động của mình.
Cô Tuyên cho biết: “Khi áp dụng kỷ luật tích cực, các giáo viên tại Montessori luôn tôn trọng cảm xúc của con tại thời điểm đó, cố gắng hiểu cảm xúc của con bằng cách thể hiện sự đồng cảm, thiết lập những nguyên tắc với sự đồng thuận của trẻ, đưa ra sự lựa chọn cho con kèm theo các hướng dẫn hành động cụ thể và sử dụng lời nói lên cảm nhận của bản thân.
Ví dụ: Khi con không muốn mặc áo khoác, hãy tôn trọng cảm xúc của con và thể hiện sự thấu hiểu của bạn qua những câu hỏi nhẹ nhàng “Con không muốn mặc áo khoác, con đang buồn phải không?”.
Sau đó, hãy cùng con thiết lập các nguyên tắc “Nếu con không mặc áo khoác thì mẹ không biết rằng con có sẵn sàng để ra ngoài chơi hay không?” rồi đưa ra những lựa chọn và hướng dẫn trẻ như “Con muốn tự mặc áo khoác hay mẹ sẽ giúp con mặc”
Ba mẹ đừng quên sử dụng lời nói lên cảm nhận bản thân: “Mẹ lo rằng con sẽ bị lạnh khi đi ra ngoài trời mà không có áo khoác”, “Khi con mặc áo khoác ấm con sẽ không bị ốm vì trời rất lạnh”.”
Sự khéo léo và kiên quyết của người lớn khi thực hiện kỷ luật tích cực sẽ giúp trẻ hiểu các hành vi và giới hạn của chúng trong môi trường xã hội để ứng xử lịch sự, nhã nhặn và hợp tác linh hoạt.
Hi vọng những thông tin vừa chia sẻ nêu trên sẽ giúp ích với ba mẹ trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái, để mỗi ngày lớn lên cùng con là mỗi ngày đầy ắp trải nghiệm vui vẻ và ý nghĩa của cả gia đình.