Phương pháp Giáo dục Montessori

Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý, tiến sỹ Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác.

Chương trình học Montessori nhấn mạnh tầm quan trọng và mối liên hệ giữa tất cả các vật thể sống, và nhu cầu của mỗi con người trong việc tìm được một công việc ý nghĩa cũng như một chỗ đứng cho riêng mình trong thế giới này. Học sinh theo chương trình này sẽ được học về các văn hoá khác nhau, động vật, thực vật cùng với các kỹ năng tập đọc, ngôn ngữ và toán học. Giáo viên – hoặc còn gọi là “Người hướng dẫn” – đóng vai trò chỉ bảo cho từng trẻ, dựa vào khả năng thực của trẻ.

Các chương trình học của Montessori khuyến khích trẻ có tính độc lập. Trẻ luôn luôn hỏi và nêu ý kiến nếu chúng muốn thử một hoạt động mới, nếu trẻ cần giúp đỡ hoặc nếu trẻ cảm thấy chưa sẵn sàng. Sự hướng dẫn ở đây còn liên quan chặt chẽ đến các phụ huynh trong việc giáo dục con em mình – mối liên kết giữa giáo viên-học sinh-phụ huynh cần được chăm nuôi cẩn thận.

Chương trình Montessori tập trung vào 5 lĩnh vực:

Hoạt động thực hành cuộc sống

Là những công việc gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ như rót đồ uống, tự mặc và cởi quần áo, tưới cây, quét bụi,….và đó là chìa khóa để giúp trẻ tiếp cận những lĩnh vực khác. Trẻ nhỏ cần học hỏi nhiều kĩ năng sống để hình thành tính tự lập. Việc tôn trọng khao khát của trẻ muốn được mình làm các công việc phục vụ bản thân chính là điểm mấu chốt trong triết lí của Montessori.

Hoạt động giác quan

Giáo cụ trong góc giác quan được thiết kế khoa học để phát triển, phân loại và đánh giá sự kích thích mà trẻ nhận được thông qua từng giác quan riêng biệt: thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác, vị giác.

Hoạt động ngôn ngữ

Trẻ em có khả năng tự nhiên học ngôn ngữ, mà khi lớn lên, khả năng đó dần dần bớt đi. Những giáo cụ trong lĩnh vực ngôn ngữ được tổ chức theo trình tự phát triển tự nhiên của trẻ: phát triển ngôn ngữ nói – phát triển ngôn ngữ viết – phát triển ngôn ngữ đọc.

Hoạt động toán học

Trẻ hiểu các biểu tượng toán, khái niệm về trọng lượng và toán thông qua các hoạt động với giáo cụ trong lĩnh vực toán. Qua đó, trẻ hiểu được nguyên lí cơ bản của toán và dễ dàng thực hiện được những phép tình một cách tự tin. Ngoài ra, khi làm việc với các giáo cụ trong lĩnh vực toán, trẻ phát triển khả năng tự duy, suy luận, trẻ hiểu rõ một quá trình thông qua việc làm hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần.

Hoạt động văn hóa

Trong môi trường Montessori, trẻ được học rất nhiều chủ đề văn hóa khác nhau (địa lí, lịch sử, sinh học, khoa học, âm nhạc và nghệ thuật), giúp phát triển trí tưởng tượng và hiểu biết về thế giới xung quanh. Trẻ được giáo viên giới thiệu những nét văn hóa và những phong cách sống khác nhau qua các hoạt động như lễ hội, sự kiện…, đạo đức và trí tuệ của trẻ được nâng cao.

Kết quả đạt được:

  • Trẻ ham mê khám phá và giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng các dụng cụ học tập phù hợp nhằm phát triển sự kết hợp, tập trung, yêu cầu và cách tiếp cận học tập một cách độc lập.
  • Trẻ học cách hợp tác và thỏa hiệp.
  • Trẻ phát triển tất cả các mảng: thính giác, thị giác, vận động từ các dụng cụ học tập thiết kế riêng biệt theo phương pháp giáo dục Montessori kết quả là trẻ có cảm nhận về giác quan một cách tinh tế.
  • Trẻ hiểu biết tất cả các khía cạnh của môi trường học tập và văn hóa của mình ở mức độ riêng của mỗi trẻ.
  • Trẻ sẽ có mục tiêu để hướng tới và phát triển các kỹ năng để tự đánh giá sự tiến bộ và khả năng của mình.
Nội dung cùng chủ đề: