Thay vì gò ép trẻ theo những khuôn mẫu, giới hạn, giáo viên Montessori tại Hệ thống Trường Mầm non Ikids Montessori và Trường Mầm non Sakura Montessori cho phép trẻ tự do chơi, khám phá theo sở thích, ý tưởng, nhu cầu và năng lực của con.
Cùng lắng nghe chia sẻ các giáo viên Montessori Quốc tế của Ikids Montessori và Sakura Montessori để hiểu rõ hơn nguyên tắc đặc biệt này trong môi trường giáo dục Montessori.
Chơi là học, là cách rèn luyện kỹ năng và thể chất tốt nhất của trẻ
Theo cô Lê Vân – giáo viên Montessori Quốc tế, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm, chơi là một phần tự nhiên trong sự phát triển của trẻ nhỏ từ khi trẻ sinh ra và cũng là phương tiện chính để trẻ phát triển tối ưu ở độ tuổi Mầm non.
Dù chơi tự do hay vui đùa cùng người lớn, khi chơi, trẻ có thể luyện tập, củng cố và phát triển các kỹ năng trong tất cả các lĩnh vực phát triển: nhận thức, thể chất, giao tiếp và xã hội/cảm xúc.
Ví dụ: Thông qua các trò chơi ngoài trời như đạp xe, chơi đùa… trẻ phát triển các kỹ năng vận động, sự phối hợp linh hoạt giữa các nhóm cơ trong cơ thể, giúp khỏe mạnh, thư giãn và hòa mình vào thiên nhiên.
Hay trong không gian lớp học, cách tự lựa chọn, tự chơi và thực hiện các thao tác với giáo cụ… góp phần thúc đẩy sự phát triển tư duy, sự tự lập, sự chủ động. Đồng thời, trong khi chơi, sự tương tác và trò chuyện với bạn bè cũng giúp trẻ nâng cao nhận thức về các mối quan hệ, xây dựng tình bạn trong môi trường, học cách quyết đoán, chờ tới lượt, hợp tác và chia sẻ.
Trong quá trình tự do chơi, trẻ có thể tự quan sát, tự phát hiện ra những điều mới mẻ, thú vị. Từ đó kích thích nội tại, tạo động lực cho sự phát triển. Tâm lý tò mò thôi thúc trẻ đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời từ người lớn, bạn bè xung quanh… trẻ sẽ vận dụng và sử dụng linh hoạt ngôn ngữ để mô tả những gì mình nhìn thấy, chạm vào, ngửi và nghe được… Ở một mức độ cao hơn, trẻ muốn tìm hiểu về chủ đề chúng quan tâm qua tranh ảnh, sách…muốn diễn đạt lại những gì mình tìm kiếm được bằng cách vẽ lại, ghi chép lại. Từ đó, các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ (đọc, viết), giao tiếp của con dần hoàn thiện hơn.
Xem thêm: Vì sao phương pháp Montessori tối ưu cho sự phát triển của trẻ trong 6 năm đầu đời?
Chơi là hoạt động chủ đạo tại Ikids Montessori và Sakura Montessori
Với những lợi ích đặc biệt từ việc chơi, tại Ikids Montessori, chơi luôn là hoạt động chủ đạo. Các hoạt động chơi được giáo viên lồng ghép khéo léo và linh hoạt trong mỗi bài học theo chủ đề của tuần học.
Cô Hoàng Tuyên, giáo viên Montessori Quốc tế, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Sakura Montessori và Ikids Montessori cho biết: “Giáo viên Sakura Montessori và Ikids Montessori gắn liền các bài học vào các trò chơi hay khuyến khích sự tự lập tìm tòi, khám phá thiên nhiên, rèn luyện tinh thần đoàn kết, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau, mở rộng khả năng quan sát.
Ví dụ: Khi học về chủ đề “Lễ Phục sinh”, giáo viên tổ chức trò chơi ngoài trời cho trẻ như trò chơi đi nhặt trứng. Trò chơi này có sự kết nối với chủ đề học của tuần. Trẻ được vận động dưới sân trường, được hòa mình vào thiên nhiên lại được tham gia chơi theo nhóm/ đội. Trẻ vừa được trải nghiệm hoạt động vừa được vui chơi kết hợp học hỏi kiến thức.
Hay khi học về chủ đề trò chơi dân gian, sau khi giới thiệu về các trò chơi ở trên lớp (tên gọi, ý nghĩa, cách chơi,…), giáo viên sẽ tổ chức một số trò chơi để trẻ được trải nghiệm thực tế bằng việc cho trẻ tham gia trực tiếp các trò chơi vừa được học. Như vậy, trẻ không chỉ được tìm hiểu các kiến thức về trò chơi, trẻ còn được vui chơi cùng các cô và các bạn.”Vì thế, thông qua các trò chơi, trẻ không chỉ được vận động mà còn được học hỏi các kiến thức bổ ích, không chỉ được phát triển thể chất mà còn được phát triển khả năng tư duy, tính sáng tạo, sự tương tác,…
Xem thêm: Phương pháp Montessori có gì khác biệt so với phương pháp giáo dục truyền thống?
Làm sao giúp con vừa học vừa chơi tại nhà?
Việc chơi mà học, học mà chơi thực sự sẽ đem lại ý nghĩa và hiệu quả khi người lớn cần tạo điều kiện cho con thỏa sức vừa học vừa chơi với những trò chơi thú vị.
Theo cô Lê Vân, xếp hình khối, vẽ tranh sáp màu, ngón tay hay xé và dán giấy, đất nặn… được liệt kê vào danh sách trò chơi bổ ích mà ba mẹ có thể cho con chơi ngay tại nhà. Các trò chơi này không chỉ là trò chơi trí tuệ mà nó còn là trò chơi thử thách về khả năng tập trung của trẻ, tăng cường sự phối hợp tay, mắt ở trẻ, khả năng sáng tạo của trẻ.
Ba mẹ cũng nên cho trẻ tự do chơi những trò chơi trẻ yêu thích, miễn sao đó là cách chơi bổ ích, không gây hại cho trẻ. Bởi theo các chuyên gia, các trò chơi trẻ yêu thích sẽ khiến các con dồn sự tập trung cao độ nhất vào công việc của mình, khơi dậy sự sáng tạo và phát triển cá tính riêng của trẻ.
Người lớn có thể là người cùng tham gia chơi với trẻ ở trò chơi tìm đồ vật cất giấu bằng cách: Hãy giấu những món đồ chơi mà con yêu thích như búp bê, xe hơi… nhưng cố tình để cho con thấy bạn để chỗ nào. Sau đó, hãy hỏi khéo con những đồ bạn muốn và ngỏ ý muốn con đi tìm giúp. Sự mời gọi của bạn sẽ kích thích trẻ ngoan ngoãn và thích thú tìm đồ vật bị giấu. Hãy dành cho trẻ những lời khích lệ, động viên khi trẻ tìm thấy. Trò chơi này không chỉ giúp trẻ tăng cường vận động mà còn tạo cho các con sự hứng khởi, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, hợp tác với mọi người.
Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo một số trò chơi như đếm, phân biệt âm thanh tiếng đàn piano, tiếng tàu hỏa, tiếng ô tô, tiếng côn trùng kêu… để kích thích trí não và các giác quan của trẻ phát triển
Thực tế, việc cho con vừa học vừa chơi không còn quá xa lạ trong môi trường lớp học và gia đình. Người lớn hãy thật tinh tế để thôi thúc, tạo động lực, khơi dậy niềm đam mê và hứng thú, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.