Dựa trên nguyên tắc “tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra giới hạn cho các hành vi”, người lớn có thể đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3 với những biến đổi tâm lý nhanh, mạnh mẽ.
Tâm lý “chống đối” của trẻ mầm non khi lên 3
Nghiên cứu về trẻ mầm non cho thấy, sự thay đổi tâm lý của trẻ ở độ tuổi 3 tuổi là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển của trẻ, với cường độ và mức độ khác nhau, kéo theo những cách cư xử có phần tiêu cực.
Theo thầy Bảo Trọng – chuyên gia Montessori Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm của Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori, khủng hoảng tuổi lên 3 diễn ra khi trẻ bắt đầu nói “không” với mọi đề nghị của người lớn, bướng bỉnh, ngang ngạnh, ngoan cố, đòi hỏi được thừa nhận như một người lớn, muốn khẳng định cái “tôi” của bản thân…
Xem thêm: Hai giai đoạn phát triển của trẻ mầm non và cách ứng xử của ba mẹ
Sở dĩ có sự thay đổi này là do thế giới quan của trẻ ở độ tuổi này phát triển mạnh, hệ vận động dần hoàn thiện chức năng, thôi thúc trẻ khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Tuy nhiên, trẻ lại chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả nên muốn làm theo ý mình, bất chấp đúng – sai, tốt – xấu, Đôi khi, do cách diễn đạt không bắt kịp được suy nghĩ của trẻ cũng khiến trẻ “khủng hoảng” với chính mình. Từ đó, trẻ cảm thấy khó chịu, hay cáu gắt với bản thân, dễ khóc, dễ bỏ cuộc,…
Trong khi đó, người lớn lại thường có xu hướng kiểm soát hành vi của trẻ, cản trở và cưỡng lại các nhu cầu của trẻ càng khiến con hoài nghi chính mình, thiếu tin tưởng dẫn đến chống đối, phản ứng quyết liệt, bướng bỉnh, thậm chí sẽ bắt chước hành vi của người lớn, trở nên mất kiểm soát và không chịu nhượng bộ chính mình.
Người lớn hãy thay đổi bản thân, buông bỏ quyền lực
Các giáo viên Montessori Quốc tế tại Sakura Montessori chỉ ra rằng: Giữ quan niệm “tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra các giới hạn cho các hành vi” để thay đổi bản thân, buông bỏ quyền lực là cách tốt nhất giúp ba mẹ đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3.
Trao quyền cho con
Hãy chắc rằng mọi sự tập trung và tình yêu của ba mẹ đều dành cho trẻ. Không chỉ đến từ những cái ôm, lời động viên, khích lệ… tình yêu của người lớn còn thể hiện ở chính cách nhìn nhận con như một cá thể độc lập về suy nghĩ, hành động, có chính kiến bản thân và luôn tôn trọng điều đó.
Theo cô Hoàng Tuyên – giáo viên Montessori Quốc tế tại Sakura Montessori, người lớn nên cho phép trẻ tự do chọn lựa trong khuôn khổ cho phép hoặc đưa ra cho trẻ một số lựa chọn đơn giản và phù hợp với con. Ví dụ: Khi ở nhà, con có thể tự do lựa chọn đồ chơi, tham gia hay không tham gia hoạt động cùng bố mẹ. Hay khi con đang chưa biết chọn chiếc váy nào giữa rất nhiều bộ váy áo, mẹ có thể nhẹ nhàng đưa ra gợi ý “Mẹ thấy chiếc váy hoa nhí màu hồng và chiếc váy trắng đều đáng yêu. Con muốn chọn chiếc váy nào để ra ngoài cùng mẹ?”
Chỉ qua những hành động nhỏ, trẻ sẽ cảm nhận bản thân luôn được tôn trọng, ủng hộ từ bố mẹ và luôn được chỉ dẫn, hỗ trợ khi cần.
Khuyến khích sự tự lập ở trẻ
Trẻ 3 tuổi có thể tự xúc ăn, tự đóng mở khuy áo, rửa và lau khô tay, rửa rau củ quả với mẹ, gấp khăn… Thay vì ngăn cản hay làm hộ trẻ, ba mẹ hãy khuyến khích sự tự lập ở trẻ bằng cách cho con thực hiện các công việc trong khả năng.
Điều này không chỉ thôi thúc khả năng độc lập của trẻ mà còn giúp con tự cảm thấy mình hữu ích để phát triển các kỹ năng tự phục vụ và khám phá thế giới.
Xem thêm: 5 bước dạy con kỹ năng sống tự lập theo đúng tinh thần phương pháp Montessori
Thiết lập các nguyên tắc kỷ luật và giới hạn cho các hành vi của trẻ
Khi tâm lý đòi hỏi được đáp ứng của trẻ 3 tuổi ngày càng tăng cao, người lớn cần thiết lập nguyên tắc kỷ luật và giới hạn cho các hành vi của trẻ một cách tích cực mà không phải là răn đe, đòn roi, khuyên giải, phán xét…
Trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi chưa đúng, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng, đồng thời giải thích cho con hiểu lý do vì sao không chấp nhận ý muốn của trẻ.
Ví dụ: Khi trời lạnh, con không muốn mặc áo khoác để ra ngoài trời hãy tôn trọng cảm xúc của con và thể hiện sự thấu hiểu của bạn qua những câu hỏi nhẹ nhàng “Con cảm thấy khó chịu khi mặc áo khoác?”. Sau đó, hãy cùng con thiết lập các nguyên tắc “Nếu con không mặc áo khoác thì mẹ không biết rằng con có sẵn sàng để ra ngoài chơi giữa trời lạnh hay không?”. Khi trẻ bắt đầu hiểu thông điệp của bạn, hãy đưa ra các sự lựa chọn và chỉ dẫn cho trẻ như “Con muốn tự mặc áo và đi ra ngoài cùng mẹ hay mình sẽ không mặc áo và ở trong nhà?”
Xem thêm: Bốn nguyên tắc khích lệ trẻ theo kỷ luật tích cực giúp con trưởng thành
Ba mẹ đừng quên sử dụng lời nói lên cảm nhận bản thân: “Mẹ cảm thấy lo lắng khi con ra ngoài trời mà không mặc áo ấm vì con sẽ có thể bị lạnh và bị ốm”.Ngay cả khi trẻ khóc lóc, ăn vạ, ích kỉ, thậm chí đánh ba mẹ, người lớn cũng hãy thật bình tĩnh, tập trung lắng nghe chia sẻ của con để giúp con gọi tên cảm xúc của mình và cùng tìm ra các giải pháp tích cực nhất.
Ví dụ: Khi trẻ xảy ra mâu thuẫn với trẻ khác và khóc lóc thật to, ba mẹ hãy tách hai trẻ ra. Thay vì thái độ tiêu cực, người lớn chịu khó bước tới với lời nhắn: “Con bình tĩnh nhé!” sau khi chờ trẻ bình tĩnh, hãy ngồi xuống lắng nghe câu chuyện của trẻ. Thay vì nói với con: “Con hư quá!”, “Tại sao con lại đẩy bạn ngã?”… ba mẹ nên lắng nghe trẻ để hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động đó và dùng “lời nói thể hiện cảm nhận bản thân” như: “Ba/mẹ cảm thấy lo lắng khi con đẩy bạn ngã. Con có thể khiến cho bạn mình đau và bị tổn thương”… Từ sự nhẹ nhàng, thấu hiểu của người lớn, trẻ sẽ tự nhận ra sai lầm của bản thân và tự điều chỉnh hành vi đúng mực.
Với những hành động vừa mềm mại vừa kiên quyết của ba mẹ, khủng hoảng tuổi lên 3 của con chính là thời điểm lý tưởng để giúp con tìm hiểu và học cách kiểm soát cảm xúc tích cực.